Đó là ông Nguyễn Văn Tuyên – Chủ tịch Hội khuyến học xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Ông là một cựu chiến binh và là thương binh.
Gọi điện nhiều lần, tôi mới gặp được ông vì ông bận “trăm công nghìn việc”. Từ việc kinh doanh của gia đình đến việc xã hội và đặc biệt là công việc khuyến học ở xã Đại Hồng mà ông đang làm.
Ở xã miền núi của huyện Đại Lộc là Đại Hồng, hầu hết người dân đều làm nông, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, việc học của con em trong xã rất được chú trọng vì muốn thoát nghèo chỉ có một con đường duy nhất là học và học.
Ông Tuyên kể: “Tôi làm công tác khuyến học ở xã từ trước những năm 2000 khi Hội khuyến học xã Đại Hồng vừa thành lập. Lúc đó Hội không có phòng làm việc như bây giờ mà ở chung phòng làm việc với các hội khác tại xã. Lúc đó khó khăn lắm, để vận động được vài suất học bổng trao cho các em là cả một vấn đề vì kinh tế lúc đó cũng còn khó khăn, không có nhiều mạnh thường quân, nhiều nhà hảo tâm...”.
Từ con số không, ông từng bước gầy dựng Hội khuyến học xã Đại Hồng có nguồn quỹ dồi dào để mỗi năm, hàng ngàn học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn của xã Đại Hồng được cấp học bổng, khuyến khích các em hăng say học tập, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.
Ông tâm sự: “Từ khi làm Chủ tịch Hội khuyến học đến nay và nhất là từ khi “chính thức” được nhận phụ cấp cho chức Chủ tịch Hội, tôi không hề nhận lương mà đóng góp hết vào quỹ để trao cho các cháu. Làm khuyến học đối với tôi là hạnh phúc vì được đến các trường, đến với các em thơ. Đó là niềm vui của tuổi già”.
Ông cho biết, nguồn quỹ của Hội khuyến học xã mỗi năm thu được hàng trăm triệu đồng. Đây là con số “khổng lồ” đối với một xã nghèo như Đại Hồng. Để có được nguồn quỹ dồi dào này, ông tổ chức vận động khắp nơi, từ các doanh nghiệp, các mạnh thường quân... Đặc biệt là những em học sinh trước đây từng nhận được học bổng từ Quỹ khuyến học của xã đến nay đã học hành đỗ đạt và thành công ngoài xã hội, nay quay về đóng góp vào quỹ khuyến học của xã. Với nguồn quỹ này, mỗi năm có trên 200 suất được tặng đến các em học sinh nghèo, hiếu học trong xã.
Ngoài ra, Quỹ khuyến học xã Đại Hồng có một nguồn thu rất bền vững trong nhân dân, đó là mỗi hộ mỗi năm đóng góp chỉ từ 10-20 ngàn đồng. Đến nay số hội viên này đã lên đến trên 5.600 người. Đây là công sức vận động của bản thân người cựu chiến binh này.
Một nguồn thu khác của Quỹ khuyến học xã Đại Hồng là “Ở đâu có người lãnh lương, ở đó có tổ chức khuyến học”. Như ở công đoàn Ủy ban xã, Công đoàn các trường... đều có Quỹ khuyến học và thường xuyên cấp học bổng cho học sinh nghèo. Mỗi năm, từ nguồn Quỹ này, Hội khuyến học xã tổ chức hỗ trợ đến 2 trường tiểu học, một trường mầm non và 1 trường THCS với số tiền trên 100 triệu đồng.
Đặc biệt, trên địa bàn xã, Quỹ khuyến học tộc họ phát triển rất mạnh. Hiện có 27/47 tộc họ có nguồn quỹ khuyến học thường xuyên với phương châm “Lấy thành đạt để nuôi thành đạt”. Đối với tộc Nguyễn Văn làng Hoằng Phước thì mỗi học sinh đỗ đại học sẽ được học bổng 500 ngàn đồng/tháng.
Tất cả là nhờ công tác vận động, tuyên truyền và tổ chức của người cựu chiến binh này. Công việc của ông vài năm nay được gánh vác, đỡ đần của một người cũng đam mê khuyến học. Đó là cô Nguyễn Thị Kim Chi (62 tuổi). Cô Chi là Nhà giáo Ưu tú đã về hưu và hiện là Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã Đại Hồng.
Cô Chi cho biết, tiền phục cấp của cô và ông Tuyên hàng tháng đều nhập vào Quỹ để chăm lo cho các cháu. Cô tâm sự: “Làm công tác khuyến học là niềm vui, là hạnh phúc của tuổi già. Trước đây tôi bị tai biến một lần nhưng trời cho mạnh khỏe trở lại nên tôi lấy công tác khuyến học làm niềm vui, chính vì thế tôi mạnh khỏe và hạnh phúc”.
Nói về người cựu binh làm khuyến học Nguyễn Văn Tuyên, bà Phạm Thị Minh Chiến – Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Quảng Nam – cho biết: Ông ấy là người rất nhiệt tình và tâm huyết với công tác khuyến học của xã, có tâm với công việc. Ông đã từng vinh dự được đi dự ĐH thi đua khuyến học toàn quốc”.
Công Bính
Ý kiến bạn đọc