Công văn mới

Thống kê

  • Đang truy cập: 11
  • Hôm nay: 109
  • Tháng hiện tại: 7523
  • Tổng lượt truy cập: 5811971

Thăm dò ý kiến

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm Website trường chúng tôi, các bạn biết trường chúng tôi thông qua phương tiện nào ?

Google

Facebook

Người thân, đồng nghiệp

Phương tiện khác

Hai người chị nuôi thân thương của học trò vùng cao

Đăng lúc: Thứ bảy - 27/12/2014 16:37 - Người đăng bài viết: Đào Văn Hường
Dân trí Ở nơi biên giới giáp ranh với Lào, cái lạnh cắt da cắt thịt khiến những bữa cơm của thầy trò vùng cao càng khó nhọc. Hơn ai hết, những người đang hằng ngày chuẩn bị bữa ăn cho trẻ em vùng cao học nội trú mới thật sự thấu hiểu hết cái khó của bát cơm.

Hai chị Tờ Ngôl Hém và chị Kring Búp được học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học liên xã Đắc Pree - Đắc Pring (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) gọi bằng cái tên thân thương "chị nuôi".

Lên vùng biên giới làm chị nuôi

Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học liên xã Đắc Pree- Đắc Pring nằm trên một ngọn đồi, giữa đại ngàn mênh mông của xã Đắc Pring với 5 điểm trường, nhưng chỉ có 251 học sinh, trong đó, số học sinh nội trú là 123 học sinh.

Tất cả 123 học sinh ấy ở chung trong một khu nội trú và được hai chị nuôi - chị Tờ Ngôl Hém và chị Tờ Ngôl Hém chuẩn bị bữa ăn hàng ngày.

Chị Tờ Ngôl Hém năm nay 37 tuổi, quê tại thôn Đắc Ốc, xã La Dê, huyện Nam Giang. Chị đến với khu nội trú này đã 2 năm nay và kể từ ngày lên điểm trường này, phải nửa tháng chị mới về nhà một lần.

Chị Tờ Ngôl Hém cho biết:" Những ngày đầu lên đây, tôi phải đi bộ hơn 40km, vì ngày đó, nhà không có xe mà đường xá lại lầy lội. Sau này tôi xin đi nhờ xe máy người đi đường, xin đi từng đoạn một, cho đến khi lên được điểm trường".

Hơn 2 năm qua, chị luôn đi "nhờ" xe như thế, lần đầu tiên xa nhà, dù chồng chị chỉ cách chị có 4km, nhưng phải đến cả tuần, vợ chồng mới có dịp gặp mặt.

Chị Tờ Ngôl Hém nấu ăn cho học sinh vùng cao
Chị Tờ Ngôl Hém nấu ăn cho học sinh vùng cao.

Cùng độ tuổi với chị Tờ Ngôl Hém là chị Kring Búp, 38 tuổi, ở xã Đắc Pring, huyện Nam Giang. Chị Búp hiện đã có chồng và hai con nhỏ nhưng chị đã tạm gác lại nỗi lo gia đình để lo cho các em nhỏ vùng cao biên giới.

Chị Kring Búp cho biết: "Đôi lúc nhìn các em học sinh tại trường, tôi rất nhớ những đứa con nheo nhóc tại nhà, nhưng vì cuộc sống của các em tại đây còn quá nhiều khó khăn thiếu thốn, nên tôi quyết tâm bám bản".

Chị Kring Búp bên vườn rau
Chị Kring Búp bên vườn rau.

Những người chị đảm đang

Những vườn rau xanh ngắt, những con lợn mập mạp… cho đến những đôi quang gánh nước sinh hoạt. Tất cả đều bắt đầu từ đôi bàn tay khéo léo của những người chị nuôi đảm đang.

Thức dậy từ 5 giờ sáng, khi trời vẫn còn hơi sương, phía xa xa, những người chị nuôi lại chuẩn bị quang gánh đi lên suối Đắc Pring lấy nước. Chị Tờ Ngôl Hém cho biết: "Chúng tôi phải đi một đoạn đường gần 500m, nơi đầu nguồn con suối nhỏ để lấy nước về nấu ăn và sinh hoạt cho cả khu nội trú nhất là thời điểm tắt nước". Trung bình mỗi ngày, hai người chị nuôi phải gánh 4-5 chuyến.

Thầy Nguyễn Xuân Phi - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học liên xã Đắc Pree - Đắc Pring, cho biết: "Hiện tại trường vẫn chưa có hệ thống nước sạch và thỉnh thoảng hệ thống nước tự chảy vẫn hay bị tắt nước, nên các chị phải lên suối lấy nước".

Chị Kring Búp cho biết: "Khổ nhất là mùa hè, nước các suối đều cạn, nhất là những con suối nhỏ, chúng tôi phải đi bộ xa hơn lên thượng nguồn Đắc Pring để tìm nguồn nước".

Trong khuôn viên của khu nội trú, các chị dành ít phần đất trồng thêm rau cải, nuôi con heo để những lúc bão lũ không thể xuống xã đi chợ, các chị có thể tự túc lương thực ít nhất là vài ba ngày.

Khoảnh vườn ấy rộng chừng 4m2, trồng toàn cải, khi hết cải, các chị lại tranh thủ gieo thêm khoai lang… Ngoài ra, phía sau khu nội trú, các chị nuôi thêm vài con heo lấy thịt.

Lâu lâu mới có người đem rau lên bán
Lâu lâu mới có người đem rau lên bán.

Và cứ cách chừng 2-3 ngày lại có người từ xuôi mang đồ lên bán cho các chị như rau, thịt… để các chị có thể dự trữ nấu ăn nhiều ngày. Thông thường, từ 9 giờ sáng các chị nuôi sẽ bắt đầu cho công việc nấu ăn trưa, chiều bắt đầu lúc 3 giờ, đến tối là thời gian nghỉ ngơi sau một ngày vất vả bếp núc.

Mặc dù là người bản xứ, nhưng do nằm gần vùng biên giới, nơi này có đến 3 thứ tiếng, Cơ Tu, Ve, Tà Riềng, nên chính bản thân các chị cũng khó khăn trong giao tiếp. Chị Kring Búp nói: "Mình nói tiếng phổ thông cho học sinh, nhưng em nào nghe không hiểu, mình phải nhờ em học sinh vùng đó hiểu tiếng để phiên dịch lại. Mình phải mất gần cả tháng mới học được tiếng Ve và Tà Riềng".

Không chỉ chăm lo các bữa ăn cho trẻ vùng cao, hai chị nuôi còn là người đưa những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến lớp học ví dụ như em Plong Trái, hay em Zơ rum Nguyệt.

Chia sẻ với chúng tôi, các chị nuôi bày tỏ nỗi niềm, các chị chỉ thương các em xa xôi đến học, trong khi phòng ăn chỉ có 160m2, nhưng có đến 123 em nội trú, phải chia làm 2 ca, khiến bữa ăn nhiều lúc không được ngon miệng, mặc dù các chị luôn cố gắng để đồ ăn luôn nóng.

Thầy Nguyễn Xuân Phi - phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học liên xã Đắc Pree - Đắc Pring cho biết: "Các chị nuôi đã ký hợp đồng 68, hợp đồng dài hạn với trường, tiếp tục công tác nuôi ăn cho trẻ em vùng cao biên giới này".

Hy vọng về một tương lai không xa, các chị nuôi chia sẻ mong muốn phòng ăn được mở rộng hơn để 123 em đều được ăn chung với nhau thay vì chia làm 2 ca. Chị Kring Búp tâm sự: "Từ khi có điện, chúng tôi hi vọng sắp tới sẽ có nguồn nước sinh hoạt ổn định, trẻ em được ăn những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng hơn".

Nguyễn Trang

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!


Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết