Công văn mới

Thống kê

  • Đang truy cập: 5
  • Hôm nay: 1395
  • Tháng hiện tại: 29591
  • Tổng lượt truy cập: 5481234

Thăm dò ý kiến

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm Website trường chúng tôi, các bạn biết trường chúng tôi thông qua phương tiện nào ?

Google

Facebook

Người thân, đồng nghiệp

Phương tiện khác

Không thể chấp nhận sự im lặng đối với bạo lực học đường

Đăng lúc: Thứ năm - 05/01/2017 18:12 - Người đăng bài viết: Đào Văn Hường
Dân trí Vụ việc cô giáo bắt cả lớp tát một học sinh, phải chăng “quả bóng” bạo lực học đường đã bùng nổ? Đến mức này chúng ta không thể im lặng được nữa. Im lặng đồng nghĩa với sự dung túng, chấp nhận cho bạo lực học đường leo thang?

Năm qua có rất nhiều vụ bạo lực học đường làm cho dư luận chấn động và phẫn nộ. Ngay từ bậc mầm non, tiểu học, một số em đã phải chịu những “cái tát” đầu đời. Đến bậc THCS, THPT, bạo lực học đường càng phổ biến và nghiêm trọng hơn.

Bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với học sinh mà còn xảy ra giữa phụ huynh với giáo viên, không chỉ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mà còn là làm nhục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Đặc biệt vừa qua, trong những ngày cuối năm, câu chuyện bạo lực học đường được “bồi thêm” thêm một vụ rất nghiêm trọng: cô giáo D.T (Trường Tiểu học Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã bắt 43 học sinh trong lớp tát vào mặt một em học sinh lớp 4, do em này “chửi bậy” lớp trưởng.

 Vết đỏ trên má học sinh T.L sau khi bị các bạn tát (ảnh: facebook)

Vết đỏ trên má học sinh T.L sau khi bị các bạn tát (ảnh: facebook)

Đến mức này, phải chăng “quả bóng” bạo lực học đường đã bùng nổ? Hành vi cô giáo bắt học sinh cả lớp tát vào mặt một học sinh rất nghiêm trọng, là một vụ bạo lực học đường tập thể, có tổ chức. Oái oăm thay, người “đạo diễn” chính là cô giáo chủ nhiệm, người trực tiếp dạy dỗ, giáo dục các em.

Bạo lực học đường là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nói hoài đến phát chán, nhưng không nói thì không được. Năm nào, quý nào, tháng nào, địa phương nào cũng cũng có xảy ra bạo lực học đường.

Những vụ được phản ánh trên báo chí, những video-clip trên mạng xã hội chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”. Còn rất nhiều vụ do nhà trường “ém”, “xử lý nội bộ”, bưng bít thông tin để giữ “uy tín” cho trường (?). Và rất nhiều vụ nhà trường, gia đình, địa phương không biết nếu như không có những video-clip được tung lên mạng xã hội.

Theo báo cáo nghiên cứu được Bộ GD-ĐT kết hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc công bố ngày 20/12/2016 thì bạo lực học đường là một trong những vấn đề nóng nhất của trường học phổ thông hiện nay.

Có 80% học sinh cho biết từ trước đến nay đã bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần; 71% học sinh bị bạo lực học đường trong vòng 6 tháng trước đó.

Trong đó, 73% học sinh bị bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục…), 41% bạo lực thể chất và 19% bị bạo lực tình dục.

Nguyên nhân bạo lực học đường là do gia đình, nhà trường, xã hội chưa chú trọng giáo dục cách ứng xử, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh.

Nhiều người lớn không làm gương cho trẻ, dùng bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn, trong đó có cả thầy cô giáo, những người được xem là “khuôn vàng thước ngọc” cho học sinh.

Một số phụ huynh lại tán đồng, “khuyến khích” con em mình đánh trả khi bị bạn bắt nạt. Điều đó làm cho bạo lực học đường có nguy cơ bùng phát, lan rộng thêm.

Sự thờ ơ, vô cảm của một bộ phận học sinh, chúng tung hô, reo hò, “cỗ vũ”, kích động khi thấy đám bạn đánh nhau, rồi dùng điện thoại quay để đăng facebook, youtube như một thú vui, một cách “câu Like” trên mạng xã hội.

Quy định kỷ luật nhà trường đã lạc hậu

Nề nếp, kỷ cương, kỷ luật nhà trường chưa nghiêm; Thông tư 08/TT (ngày 21/3/1988) của Bộ GD ĐT về xử lý kỷ luật học sinh đến nay ban hành đã gần 30 năm nên rất bất cập, không còn phù hợp, thiếu tính răn đe và ngăn ngừa học sinh vi phạm kỷ luật.

Đáng nói hơn là thời gian qua ngành giáo dục chưa có động thái nào quyết liệt trong toàn ngành về chấn chỉnh vấn đề bạo lực học đường. Nhiều vụ bạo lực học đường bị nhà trường giấu nhẹm để tránh tai tiếng, không thông tin, báo cáo lên cấp trên. Vì thế, lãnh đạo địa phương không biết, Phòng, Sở GD ĐT cũng không biết, tức dưới thì “dữ dội, ồn ào” nhưng trên thì “gió yên, sóng lặng”.

 Phải chăng “quả bóng” bạo lực học đường đã bùng nổ?

Phải chăng “quả bóng” bạo lực học đường đã bùng nổ?

Điều đó giải thích vì sao bạo lực học đường ngày càng “lây lan” và trầm trọng như nạn “đại dịch bệnh”. Hôm nay mới xảy ra vụ này, hôm sau lại xảy ra các vụ khác tương tự, thậm chí nghiêm trọng hơn. Báo chí phản ánh rất nhiều nhưng không hiểu sao nhiều trường, nhiều giáo viên “không chịu” rút kinh nghiệm ?

Thiết nghĩ, đến mức này chúng ta không thể im lặng được nữa. Im lặng khác gì dung túng, chấp nhận cho bạo lực học đường leo thang. Đừng vì “uy tín”, thành tích ảo mà im lặng, bao che, giấu nhẹm những vụ bạo lực học đường ở nhà trường.

Các em học sinh không nên quay và đăng tải những video-clip đánh nhau như một hình thức “câu Like”, “câu View” mà hãy dùng nó như một bằng chứng để tố cáo những kẻ dùng bạo lực ức hiếp người khác.

Không phải ai cũng đủ khả năng làm “hiệp sỹ” để xông vào can gián đám ẩu đả, đánh nhau. Trong trường hợp này hãy dùng chiếc điện thoại của bạn để ghi lại hình ảnh và điện báo cho nhà trường, công an khu vực.

Không chần chừ gì nữa, từng địa phương phải có những “đường dây nóng” công khai rộng rãi để học sinh, phụ huynh và nhân dân phản ảnh nạn bạo lực học đường khi cần. Nhà trường và chính quyền cần tăng cường giáo dục pháp luật cho học sinh; xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm, không bao che, dung túng bất cứ trường hợp nào. Khi học sinh là người chưa thành niên, phụ huynh phải chịu trách nhiệm trước địa phương và pháp luật nếu để con em mình tham gia đánh nhau, xúc phạm thân thể, nhân phẩm người khác, gây rối nề nếp, kỷ cương nhà trường và trật tự xã hội.

Lê Xuân Chiến

Các ý kiến đóng góp tin, bài của độc giả trên trang Giáo dục báo Dân trí xin gửi về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!


Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết