Biến ý tưởng thành hành động
Vượt nhiều dự án, các nhóm đến từ 3 trường bao gồm Đại học Cần Thơ, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TPHCM đã cùng nhau chinh phục ban giám khảo từ những dự án thực tế. Nhấn mạnh về tiềm năng thế mạnh là nông nghiệp, các sinh viên đã tập trung vào việc giải quyết những thách thức của cộng đồng bằng chính kiến thức của mình khi ngồi trên ghế nhà trường.
Với “Ứng dụng MyRIO để phát triển công nghệ kiểm soát tiên tiến cho máy sấy nông sản”, các sinh viên từ Đại học Bách khoa Hà Nội đã mang đến cuộc thi một làn gió mới, thúc đẩy sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp cho các sinh viên trường bạn. Cùng với nền tảng phần cứng nhúng myRIO và phần mềm LabVIEW, dự án đã mang thiết kế đậm chất Việt Nam ra toàn cầu bằng mô hình sấy khô tiên tiến và ít tốn kém nhằm gia tăng giá trị nông sản như vải, nhãn, cây thảo dược và các loại khác. Và đây cũng là lần đầu tiên, dự án của Việt Nam sẽ được trình bày trong Hội nghị toàn cầu NIWeek 2015 tại Austin, Texas, góp phần đưa tiếng nói Việt Nam đến với nhiều hơn với cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, dự án có tên "Thiết kế hệ thống giám sát và điều khiển tự động cho ngành nuôi tôm dựa trên NI myRIO”, các sinh viên từ Đại học Cần Thơ cho biết phải tìm hiểu kỹ quy trình trước khi thực hiện ý tưởng. Bằng việc ứng dụng những giải pháp từ NI cùng với thực tế, dự án không chỉ giúp nhiều cho ngành nuôi trồng thủy sản tại miền Tây, mà còn dễ dàng mở rộng ra cả nước. Bằng việc kiểm soát các điều kiện môi trường ảnh hưởng đến việc nuôi tôm như nhiệt độ, độ pH và nồng độ oxy, hệ thống còn giảm thiểu những tác động của việc biến động môi trường và giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực và chi phí. Đó cũng chính là bài toán mà nhiều nhà nông đang cần cho những vụ mùa bội thu của mình.
Tự hào hai tiếng Việt Nam
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Duy Loan, thành viên cao cấp của Texas Instruments và là thành viên Hội đồng quản trị của NI cho biết: “Lòng tự hào Việt Nam là động lực để cá nhân bà hướng về quê hương bằng những chương trình thúc đẩy giáo dục mạnh mẽ.
Cụ thể, trong hoạt động của NI, chúng tôi cũng đã có nhiều hành động cụ thể tập trung vào Việt Nam như hỗ trợ sinh viên, giảng viên tiếp cận Labview, đưa nền tảng NI vào các trường đại học như là một công cụ để sinh viên có thể biến những kiến thức của mình thành sản phẩm thực tiễn”.
"Rất khó khăn cho chúng tôi để quyết định đội nào sẽ nhận được hai giải thưởng cao nhất bởi các dự án trong vòng chung kết đều tốt tương đương. Chúng tôi đã chọn hai đội chiến thắng vì các dự án và sản phẩm của họ hoàn thiện hơn và họ đã sử dụng công nghệ của NI để giải quyết các vấn đề liên quan đến cộng đồng địa phương, đó là mục tiêu của chương trình Planet NI ", bà Loan nhận xét.
Được biết, ngoài việc hỗ trợ cho dự án triển vọng, NI cũng đang làm việc với nhiều đối tác tại Việt Nam và nước ngoài để đẩy mạnh nhằm mang sự khả thi của dự án đến với nhiều hơn cho cộng đồng. "Đó cũng chính là cách nâng cao tính tự động hóa trong việc đẩy mạnh nông nghiệp, góp phần đưa kinh tế phát triển. Các dự án này cũng cho chúng tôi niềm tin rằng chúng ta có thể có được những giải pháp cho các thách thức ở hiện tại và tương lai. Chương trình Hành tinh NI (Planet NI) cam kết hỗ trợ tối đa các kỹ sư ở các quốc gia mới nổi như Việt Nam để tạo ra các lợi ích tích cực cho cộng đồng”, ông Chandran Nair - Giám đốc điều hành của NI khu vực Đông Nam Á cho biết.
Được biết, tại Việt Nam, tự động hóa trong ngành nông nghiệp chưa cao, trong khi nhu cầu đang có rất nhiều. Điều này không chỉ mang đến hệ quả năng suất kém mà còn khai thác không hiệu quả nguồn nhân lực hiện có. So với nhiều quốc gia trong khu vực, như Singapore, lượng nhân công dù dồi dào nhưng năng suất chỉ bằng 1/15, trong khi đó chi phí thì lại cao hơn gấp 10 lần. "Đó là một nghịch lý cần thay đổi", ông Nair nhấn mạnh.
"Sinh viên Việt Nam rất giỏi, ham học hỏi, môi trường và cơ hội để khẳng định mình không thiếu, nhưng việc nắm bắt chính là ở các em", bà Loan chia sẻ. "Đó cũng chính là những gì mà cuộc thi mang đến cho các em bằng sự nỗ lực thay đổi", bà nói.
nhận định, tổ chức, thiết kế, sáng tạo, cộng tác, chương trình, hợp tác, giáo dục, đại học, kỹ thuật
Ý kiến bạn đọc