Sinh ra trong một gia đình khó khăn, em Lê Thị Hồng Lê (17 tuổi, học lớp 12/11 Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu) chưa bao giờ biết mặt cha. Cuộc sống bên người mẹ đơn thân lặng lẽ trôi qua.
Mẹ em, bà Lê Thị Phi, gắng gượng nuôi con ăn học. Nhà có vài thước đất để làm ruộng, trồng thêm vài mảnh rau bán kiếm tiền qua ngày. Và như mọi ngày, bà Phi vẫn một mình đội nón làm đồng. Lê nói: "Nhà chỉ có manh chiếu, mẹ con ngủ chung, nhưng em chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ không còn ai".
Buổi chiều định mệnh ấy, ngày 23/5/2014, với Lê như mới vừa diễn ra. Em kể: "Chiều đó, em đi học về, không thấy mẹ, em cứ nghĩ mẹ đi làm chưa về. Người hàng xóm chạy qua báo với em là mẹ em làm ngoài đồng bị sét đánh".
Cơn mưa vẫn chưa dứt, Lê chạy lao về phía đồng ruộng, "người ta đã mang mẹ lên bờ ruộng, che bức chiếu, em vẫn không tin vào mắt mình. Người trước mắt em, không còn nhìn ra nữa là mẹ em" - Lê ứa nước mắt.
Sau tang lễ, với tình thương đứa cháu mồ côi, bà ngoại đưa Lê về sống cùng. Bà Nguyễn Thị Thí nay đã 80 tuổi, bước đi không vững, do vậy mà việc cưu mang đứa cháu ngoại lại càng khó.
"Em sinh ra không biết mặt cha, một mình mẹ lặn lội nuôi em khôn lớn. Em chưa làm được gì để giúp mẹ thì mẹ đã ra đi mãi mãi. Em hy vọng khi các bạn còn có cha, còn có mẹ hãy trân trọng cuộc sống hiện tại ấy" - lời tâm sự của em Lê Thị Hồng Lê. |
Nỗi buồn kéo dài suốt cả mùa hè vừa qua, và rồi những ý nghĩ buông xuôi số phận đã xuất hiện trong trí óc em. Trong căn nhà nhỏ, tài sản duy nhất người mẹ để lại là vài thước đất ruộng và một mảnh vườn rau. Lê tâm sự : "Em đã có ý định nghỉ học ngay khi mẹ mất, em chẳng có nơi nào để đi, giống như điểm tựa duy nhất đã mất, em suy nghĩ nhiều lắm…". Nhưng nghĩ đến con đường phía trước, Lê đã tự nhủ với mình rằng không được gục ngã.
Chỉ còn lại một mình, Lê quyết định đứng lên, vì em hiểu rằng, mẹ cuối cùng vẫn mong em học tập thật tốt.
Nhận xét về em Hồng Lê, cô Lê Thị Mỹ Sang, giáo viên dạy Hóa, lớp 12, Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, cho biết: "Em Lê là một học sinh chăm chỉ, lại học rất giỏi, nhà trường và thầy cô đều động viên em tiếp tục đến trường, vì mẹ không còn thì còn xã hội, cộng đồng, thầy cô quan tâm em".
Và chính những lời động viên của chính quyền xã, hàng xóm, đã làm Lê vững tin hơn. Em cho biết: "Em đã quyết định đến lớp, và thay vào đó, những ngày thứ bảy, chủ nhật, em lại chăm mảnh rau vườn, ranh thủ ra chợ bán để kiếm tiền tiếp tục mơ ước của mình".
Chia sẻ về ước mơ, em Lê cho biết: "Em muốn trở thành giáo viên để tiếp tục dạy những học sinh có hoàn cảnh như mình, nuôi lớn những ước mơ của bao đứa trẻ khác như em".
Cô Sang cho biết:"Nhà trường và thầy cô đều cố gắng giúp đỡ em như không thu học phí, kể cả dạy và học ngoài giờ".
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Điện Bàn, nói: "Biết được hoàn cảnh của em Lê, Hội Khuyến học huyện hằng năm cấp học bổng tạo điều kiện cho em tiếp tục đến trường học tập".
Nguyễn Trang
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |
Ý kiến bạn đọc