Công văn mới

Thống kê

  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 712
  • Tháng hiện tại: 44485
  • Tổng lượt truy cập: 5889885

Thăm dò ý kiến

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm Website trường chúng tôi, các bạn biết trường chúng tôi thông qua phương tiện nào ?

Google

Facebook

Người thân, đồng nghiệp

Phương tiện khác

Giáo viên về hưu lập bếp ăn, giúp học trò nghèo no bụng

Đăng lúc: Thứ sáu - 27/03/2015 08:02 - Người đăng bài viết: Đào Văn Hường
Dân trí Trong những lần đến các trường học, ông Nguyễn Văn Mốt - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc chứng kiến nhiều em học sinh ngồi dưới tán cây ăn gói xôi, bánh mì… lót dạ. Từ đó, ông quyết đinh lập bếp ăn, giúp học trò nghèo có buổi trưa no bụng, đủ chất.

Nhà giáo Nguyễn Văn Mốt đồng thời cũng là ủy viên thường trực Hội Khuyến học TP. Sa Đéc Nếu tính đến nay, Bếp ăn Khuyến học của Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc đã “đỏ lửa” hơn 5 năm qua, phục vụ cả 1.000 suất ăn miễn phí cho các em học sinh khó khăn trong và ngoài địa bàn thành phố.


Gian nan những ngày đầu lập bếp

Từ những chuyến công tác đến các đơn vị trường học trên địa bàn TP Sa Đéc, thầy Nguyễn Văn Mốt bắt gặp nhiều em học sinh ngồi dưới tán cây ăn xôi, bánh mì…, các em không dám vào căng tin trường ăn, vì không đủ tiền. Nếu các em có vào căng tin thì chỉ dám gọi tô mì gói ăn lót lòng để học buổi chiều. Thấy vậy, Thấy Mốt về họp bàn với các giáo viên về hưu trong Hội Cựu giáo chức ở TP Sa Đéc, khi thầy Mốt trình bày ý nguyện lập bếp ăn khuyến học giúp học trò có hoàn cảnh khó khăn, ai nấy đều đồng thuận. Từ sự chung tay này, thầy Mốt cùng ban chấp hành (BCH) Hội làm tờ trình xin Đảng ủy, UBND TP Sa Đéc lập bếp ăn và các vị lãnh đạo đều nhất trí đồng ý.

Giáo viên về hưu lập bếp ăn, giúp học trò nghèo no bụng
Khoảng 6 giờ sáng mỗi ngày, các tình nguyện viên và các giáo viên về hưu chuẩn bị thức ăn cho các em học sinh.

Sau khi có “giấy phép” hoạt động, BCH Hội bắt đầu đi tìm địa điểm đặt bếp. Vì theo thầy Mốt, bếp phải đặt ở một vị trí mà các em học sinh đang theo học ở các trường trong nội ô thành phố đi đến bếp ăn một cách thuận lợi.
“Có vị trí và diện tích vừa ý nhưng chủ nhà chỉ cho thuê một năm hoặc tiền thuê quá đắt. Nếu thuê chỗ thời gian ngắn thì mình sẽ hao tốn những khoản đầu tư ban đầu, như: bếp, sơn sửa… Do vậy, buộc phải tìm chỗ khác. Rất may cuối cùng chọn được căn nhà này (số 422, đường Nguyễn Sinh Sắc, P1, TP Sa Đéc) và vui mừng hơn nữa là ông chủ đất không lấy tiền thuê trong 5 năm, vì họ xin góp công sức vào bếp ăn để giúp các cháu học sinh” - thầy Mốt kể.

Đến công đoạn xây dựng cơ sở cũng lắm gian nan, tuy nhiên khi nói đến việc lập bếp ăn khuyến học, giúp học trò nghèo các mạnh thường quân, công ty… ai nấy đều đồng ý. Nhất là các ông chủ thầu xây dựng, san lắp, bán thiết bị… ai cũng giảm giá từ 20 - 30%. Nhờ đó, cơ sở bếp ăn sớm hoàn thành và tháng 10/2010 bếp ăn Khuyến học của Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc bắt đầu hoạt động.

Trong những bữa ăn, thầy Mốt hay đến hỏi thăm, trò chuyện cùng các em học sinh
Trong những bữa ăn, thầy Mốt hay đến hỏi thăm, trò chuyện cùng các em học sinh.

Sau khi chuyện bếp lò đã xong, BCH Hội bắt đầu công tác vận động lương thực, thực phẩm, tuy nhiên trước khi đi vận động, các thành viên trong Hội Cựu giáo chức “ra tay” đầu tiên bằng cách trích lương hưu, vận động bạn bè, con cháu rồi mới đến các mạnh thường quân, công ty…Và trong năm học 2011 - 2012 bếp ăn đã phục vụ 212 học sinh/buổi ăn.

Chị Lâm Thị Đặng - gắn bó với bếp ăn từ lúc thành lập cho đến nay nhớ lại: “Những tháng đầu mới thành lập còn khó khăn lắm. Có hôm chị em ra công nấu cả 100 suất ăn nhưng các cháu chỉ đến một nửa. Hôm sau, bắt các cháu đăng ký nhưng số đăng ký có 50 em nhưng đến giờ ăn có trên cả trăm em. Lúc đó, chị em chạy ra các quán ăn mua cơm, hột vịt, rau cải… để giúp các cháu no lòng, chứ làm sao đành lòng để các cháu đói cho được”.

Ngoài ra, cô Nguyễn Thị Cẩm Em cho biết thêm, trước kia, chị em phục vụ ở bếp cơm còn ít người, các em học sinh chưa có ý thức tự phục vụ như bây giờ nên các tình nguyện viên trong bếp ăn cũng vất vả lắm. Tuy nhiên, tất cả vì “học sinh thân yêu” nên các hội viên đều chung tay, đồng lòng “giữ lửa” cho bếp ăn “cháy” liên tục hơn 5 năm qua.

Lo cơm, lo cả sách, vở…

Trong năm học 2011 - 2012, bếp ăn phục vụ 212 suất ăn/buổi; Năm học 2012 - 2013 là 240 suất ăn; năm học 2013 - 2014 là 262 suất; năm 2014 -2015 chỉ còn 197 suất/buổi. Theo thầy Mốt cho biết, nguyên nhân giảm số lượng không phải do bếp ăn không đủ sức phục vụ cho các em học sinh mà do một số trường học trên địa bàn TP Sa Đéc sửa chữa phòng lớp nên không tổ chức dạy hai buổi/ngày.

Trong những bữa ăn, thầy Mốt hay đến hỏi thăm, trò chuyện cùng các em học sinh
Hiện nay, mỗi ngày bếp ăn Khuyến học phục vụ gần 200 em học sinh đang theo học ở bậc THCS và THPT trên địa bàn và một số trường lân cận TP Sa Đéc.

Em Nguyễn Anh Tú - lớp 12A2 trường THPT TP Sa Đéc cho biết: “Nhà em ở tận xã Tân Phú Trung (huyện Châu Thành) nên từ nhà đến trường khoảng 15km. Do vậy, hôm nào học hai buổi thì em ở lại trường ăn mì hay gì đó rồi học tiếp. Từ khi có bếp ăn khuyến học của các thầy cô trong Hội Cựu giáo chức thành lập đã giúp em rất nhiều, vì em có buổi cơm ngon, đủ chất mà chúng em không phải tốn một khoản chi phí nào”.

Em Trần Nhật Quyên - lớp 10 Sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: “Gia đình em thuộc diện khó khăn, cha mẹ em đi làm thuê, do vậy việc nuôi hai con ăn học đối với cha mẹ em rất vất vả. Tuy nhiên, từ khi có bếp ăn này, mỗi ngày giúp em tiết kiệm được 15.000 đồng, tính ra cả tháng cũng tiết kiệm gần 500.000 đồng. Do vậy, chính nhờ bếp ăn này giảm bớt một phần khó khăn cho em và gia đình. Em tự bảo phải cố gắng học tốt để không phụ lòng cha mẹ và nhất là các thầy cô trong Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc và các cô chú thiện nguyện đang âm thầm phục vụ ở đây”.

Nếu tính đến nay tủ sách giáo khoa khuyến học của Hội Cựu giáo chức đã cấp
Nếu tính đến nay tủ sách giáo khoa khuyến học của Hội Cựu giáo chức đã cấp 750 bộ sách giáo khoa (từ cấp 1 đến cấp 3).

Sau khi bếp ăn hoạt động vào nề nếp, năm 2011, BCH Hội Cựu giáo chức TP. Sa Đéc tiếp tục hỗ trợ dụng cụ học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn, như: sách, vở, bút… Đặc biệt là mô hình tủ sách giáo khoa khuyến học tại bếp ăn này. Theo thầy Mốt, để có tủ sách “đồ sộ” như hôm nay, BCH Hội đến tận trường vận động các em học sinh tặng sách đã học lại cho BCH Hội, ngoài ra BHC Hội còn vận động bạn bè, đồng nghiệp, các mạnh thường quân… cùng góp sách. Nhờ đó, tính đến 10/2014, tủ sách giáo khoa khuyến học Hội đã quyên góp và hỗ trợ được trên 750 bộ sách giáo khoa (từ cấp 1 đến cấp 3), tặng hàng ngàn quyển tập và 1.200 cây viết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. đến nay tủ sách có đầy đủ các bộ sách từ cấp 1 đến cấp 3.

Chia sẻ với PV Dân trí, bà Trần Lan Phương - Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Sa Đéc cho biết: “Thầy Mốt cũng là ủy viên thường trực của BCH Hội Khuyến học thành phố. Thời gian qua, chính nhờ bếp ăn khuyến học của Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc giúp ích rất nhiều cho hàng trăm em học sinh khó khăn, xa nhà có buổi cơm trưa ngon lành, đủ chất. Ngoài ra, hàng năm Hội Cựu giáo chức còn kết hợp với Hội Khuyến học tặng trên 10.000 quyển vở cho các em học sinh nghèo, khó khăn trên địa bàn TP Sa Đéc. Theo tôi đây là những việc làm hết sức ý nghĩa, nhất là trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng một xã hội học tập theo chỉ đạo của Chính phủ”.

Khi ăn xong, các em tự vào rửa khay đựng cơm và xếp lên giá
Khi ăn xong, các em tự vào rửa khay đựng cơm và xếp lên giá.

Hiện tại, bếp ăn mở cửa phục vụ cho các em học sinh từ thứ 2 đến thứ 7, trung bình mỗi ngày phục vụ gần 200 suất cơm mặn với đầy đủ các món: kho, xào, canh và cả trái cây tráng miệng. Để phục vụ bữa ăn cho các em học sinh, BCH Hội chia ra 7 tổ, mỗi tổ 5 người, chia ra phục vụ từ thứ 2 đến thứ 7. Tuy nhiên để giảm bớt vất vả cho các thành viên, BCH Hội nhờ tổ nấu cơm từ thiện ở Bệnh viện TP Sa Đéc nấu hộ (thầy Mốt hiện là Phó trưởng ban điều hành phụ trách đối ngoại và kiểm soát tổ nấu cơm từ thiện tại này), các tình nguyện viên chỉ lo thức ăn.

Nói về nguồn lương thực phục vụ bếp ăn, thầy Mốt cho biết, trong suốt 5 năm qua, công ty thức ăn thủy sản Cỏ May (Đồng Tháp) hỗ trợ trên 50% tổng số gạo nấu cơm cho các em học sinh. Ngoài ra, cảng cá thành phố, nhiều tiểu thương thường xuyên hỗ trợ cá, thịt, rau… do vậy nguồn lương thực và thực phẩm của bếp ăn hiện nay yên tâm “thổi” lửa.

Khi ăn xong, các em tự vào rửa khay đựng cơm và xếp lên giá
Trước nghĩa cử cao đẹp của người lập bếp, Tết Ất Mùi 2015, đồng chí Bí thư tỉnh ủy Lê Minh Hoan đến thăm bếp ăn và tặng bức tranh này cho thầy giáo Nguyễn Văn Mốt.

Chia sẻ với PV Dân trí về bí quyết vận động trong công tác xã hội từ thiện, thầy Nguyễn Văn Mốt chia sẻ: “Mình phải xác định việc mình đang làm là phục vụ cho dân, cho học sinh. Do vậy trong quản lý, mình phải trong sáng, minh bạch, không vụ lợi, không biểu hiện tham ô... Nếu mình giữ được những nguyên tắc này thì sẽ tồn tại, phát triển và đây cũng là một cách giáo dục gián tiếp về tính trung thực cho các em học sinh”.
Nguyễn Hành

Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!


Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết