Công văn mới

Thống kê

  • Đang truy cập: 9
  • Hôm nay: 633
  • Tháng hiện tại: 43273
  • Tổng lượt truy cập: 5888673

Thăm dò ý kiến

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm Website trường chúng tôi, các bạn biết trường chúng tôi thông qua phương tiện nào ?

Google

Facebook

Người thân, đồng nghiệp

Phương tiện khác

Phương pháp học và thi tốt môn Tiếng Anh

Đăng lúc: Thứ sáu - 12/12/2014 06:42 - Người đăng bài viết: Đào Văn Hường
Trong điều kiện tiến trình toàn cầu hóa để hội nhập với nền kinh tế thế giới của đất nước đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, biết tiếng Anh, giỏi tiếng Anh sẽ giúp chúng ta có một ưu thế vượt trội. Với vai trò là một trong những ngôn ngữ thông dụng nhất trên thế giới, tiếng Anh là chìa khóa để mở cánh cửa ra thế giới rộng lớn.
Thế nhưng việc học tiếng Anh không dễ nếu chúng ta học không đúng phương pháp. Việc dạy và học phải luôn có quan hệ tác động tương hỗ lẫn nhau. Thầy cô giáo chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, giúp đỡ các em lĩnh hội kiến thức một cách hiệu quả hơn.
Từ vựng là một trong những phần quan trọng nhất của việc học ngoại ngữ. Nếu muốn giỏi tiếng Anh thì dù ở bất kỳ khả năng nào: nghe, nói , đọc hay viết ta cũng cần một vốn từ vựng tương đối lớn. Vốn từ này không phải tự dưng hay ngày một ngày hai mà có, nó phải là một quá trình ôn luyện, học tập và  tích lũy lâu dài mới hình thành nên. Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng D. A. Wilkins đã nói rằng  “Without grammar, very little can be conveyed; without vocabulary, nothing can be conveyed.” (Không có ngữ pháp, rất ít thông tin có thể được truyền đạt; Không có từ vựng, không một thông tin nào có thể được truyền đạt cả)
Theo nghiên cứu của trường Đại học Alabama, để ghi nhớ từ vựng hiệu quả, học sinh cần tuân thủ các chiến thuật sau:
-         Luyện viết từ vựng thường xuyên.
-         Luyện nói từ vựng thường xuyên. (Khi luyện nói, một điều cần phải lưu ý là các em phải sử dụng từ điển để phát âm từ vựng cho đúng.)
-         Cố gắng học từ và nghĩa đi kèm ngay lần đầu tiên bắt gặp.
-         Viết từ vựng lên mảnh giấy ghi nhớ, một mặt là từ vựng, mặt kia là nghĩa của từ, dán ở góc học tập hay bất cứ vị trí nào mà em thường xuyên thấy.
-         Sử dụng những từ đã học để viết thành câu đơn giản, cũng như sử dụng từ vựng đã học để tạo nên đoạn hội thoại với độ tần suất xuất hiện của từ càng nhiều càng tốt.
-         Hầu hết khi học tiếng anh, các em chỉ mới đến ngưỡng biết chứ chưa sử dụng được, vì thế hãy cố gắng sử dụng những từ đã học đưa vào các bài viết trên lớp, gợi nhớ những từ đã học nhiều lần trong đầu. Đặc biệt, cần lưu ý những từ giáo viên hoặc người bản ngữ sử dụng mà em thấy trên ti vi để ghi nhớ cách họ sử dụng từ vựng trong tình huống thực tế.
Khi học từ vựng, các em có thể sử dụng phương pháp tỉ mỉ hóa từ vựng. Phương pháp này sử dụng các mẹo như sau
-         Thị giác hóa từ vựng: nghĩa là em gắn cho từ đang học một hình ảnh nào đó. Nếu từ đó là danh từ chỉ sự vật thì đương nhiên là dễ, nếu từ là động từ, hoặc tính từ thì đòi hỏi sự sáng tạo của chính các em. Ví dụ : obesity (béo phì) thì chữ ob đầu nhìn như người bụng bự, béo ú.v.v…
-         Chia từ thành hai phần và liên kết nghĩa để giải thích tỉ mỉ từ đó. Ví dụ: lineage (huyết thống) = line (đường vạch) + age (thế hệ, tuổi tác) = huyết thống là đường nối các thế hệ trong gia đình .v.v…
-         Học từ và liên tưởng đến từ đồng nghĩa cũng như trái nghĩa của từ đó (nếu có). Ví dụ khi học từ “happy”, các em sẽ học những từ đồng nghĩa như: cheerful, joyful, hoặc từ trái nghĩa: sad, depressed.
-         Sử dụng mindmap (sơ đồ ý) để vẽ sơ đồ các từ có nghĩa liên quan. Ví dụ khi học từ vựng về những vật dụng trong nhà (things in the kitchen). Các em sẽ viết từ things in the kitchen ở vị trí trung tâm, sau đó chia ra các nhánh nhỏ. Nhánh 1 là nhóm về fridge (tủ lạnh) thì các em có thể liệt kê các từ liên quan đến tủ lạnh: keep meat, vegetables, fruits, fish (giữ cá, thịt, rau, trái cây). Nhánh 2 sẽ là các hộp đựng (jars), thì triển khai các từ như pepper, salt, sugar, flour (đựng tiêu, muối, đường, bột). Như vậy sử dụng bản đồ tư duy là cách em có thể ghi nhớ các nhóm từ vựng lâu hơn.
Đối với hoạt động nói, các em có thể làm theo những gợi ý nhỏ sau đây:
-         Luyện nói trước gương, khi cảm thấy thoải mái, có thể nói to hơn.
-         Ghi âm giọng nói của mình vào băng đĩa và nghe lại.
-         Tự nói tiếng Anh với chính mình về bất cứ chủ đề gì mà em cảm thấy thích.
-         Có thể lặp đi lặp lại một cách thầm thì những từ mà em nhìn thấy. Điều đặc biệt, khi làm cặp hoặc làm nhóm trong các giờ học mỗi học sinh cần mạnh dạn sử dụng tiếng Anh, không ngại giao tiếp bằng tiếng Anh. Có thể lần đầu tiên khi nói các sẽ cảm thấy e ngại hoặc sợ mình mắc lỗi và chưa quen, nhưng các em không nên lo lắng về điều đó vì sau mỗi lần sai các em sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm và mạnh dạn hơn trong giao tiếp.
Đối với hoạt động luyện nghe:
-         Xem những bộ phim tiếng anh trên TV.
-         Nghe nhạc tiếng anh, tra những từ mà em không biết và cố gắng hát theo bài hát đó. Bằng cách này các em có thể giúp cho minh đọc đúng dấu nhấn của từ và ngữ điệu của câu.  
-         Nguyên tắc chung cho việc rèn luyện kỹ năng nghe hiệu quả là nghe càng nhiều càng tốt. Tranh thủ mọi tài liệu và cơ hội nghe có thể (nghe băng, nghe nhạc, nghe radio, xem TV, xem phim Mỹ có phụ đề tiếng Anh …). Ngoài ra, còn có một công cụ vô cùng hữu hiệu để rèn luyện mọi kỹ năng cho người học tiếng Anh ngày nay, đó chính là Internet.
Đối với hoạt động luyện đọc, các em có thể tìm đọc những câu chuyện bằng tiếng anh, các bài báo ngắn.
Đối với hoạt động luyện viết, hãy tập viết nhật ký về những điều xảy ra trong ngày bằng tiếng anh. Luôn giữ bên mình một cuốn từ điển nhỏ và tạo cho mình thói quen có thể sử dụng ngoại ngữ mọi lúc mọi nơi. Hãy lập ra quỹ thời gian cho hoạt động tự học của mình
Một nguyên tắc vàng cho người học tiếng anh đó chính là xác định phong cách học của mình. Tại sao khi em nghe giảng trên lớp nhưng bạn ngồi kế bên không thể tập trung vào bài giảng? Hay cũng cùng một bài giảng rất khó khăn em mới hiểu được trong khi bạn em lại cho rằng nó dễ hiểu? Nguyên nhân của những rắc rối này chưa hẳn bởi em kém thông minh hơn những người khác mà chỉ đơn giản là em có cách học và tiếp cận những tri thức mới không giống mọi người. Phong cách học của mỗi cá nhân quyết định họ là ai và họ xử lý thông tin thế nào. Như vậy, lựa chon phong cách học thích hợp sẽ phát huy được tối đa thế mạnh của bản thân.
Có bốn phong cách học cơ bản: (1) quan sát/giao tiếp, (2) quan sát, (3) tiếp cận và (4)nghe/nói.
Mọi người thường sử dụng một trong bốn cách này để tiếp nhận và xử lý thông tin mà họ nhận được. Bởi thế, một khi biết mình thuộc tuýp phong cách nào, em có thể tìm ra cách học tốt nhất cho riêng mình.
Quan sát/giao tiếp: Em sẽ đạt được kết quả tốt nhất khi tiếp cận thông tin mà em có thể nhìn thấy hay ở dạng văn bản viết. Nếu những phần quan trọng của bài giảng được trình bày dưới dạng những đoạn thông tin ngắn gọn hay dạng dàn ý, em cảm thấy bài giảng dễ hiểu hơn. Học với giáo trình và những ghi chép trên lớp là cách học cảm thấy hiệu quả nhất đối với em. Và mỗi khi em cố gắng ghi nhớ kiến thức về điều gì đó, hình ảnh của nó luôn xuất hiện trong tâm trí em. Bút nhớ dòng và bút bi nhiều màu mực khác nhau là công cụ hữu hiệu nhất giúp những học viên loại này tiếp thu thông tin.
Quan sát: Em sẽ học tiếp thu tốt nhất khi bài giảng được trình bày với những bức tranh hay hình ảnh minh hoạ. Những bài giảng có phim, băng hình, bản đồ hay biểu đồ minh họa sẽ luôn thu hút được sự chú ý của tuýp học viên này. Em cho rằng làm việc theo nhóm không hiệu quả và em thích làm việc trong một căn phòng yên tĩnh hơn. Khi em cố gắng ghi nhớ điều gì, em luôn tưởng tượng ra hình ảnh của nó giống như một tấm ảnh hay một đoạn phim quay chậm vậy.
Tiếp cận: Những học viên thuộc nhóm này luôn thích thú với việc trực tiếp tham gia vào những hoạt động học tập trên lớp. Những buổi học trong phòng thí nghiệm hay những chuyến đi thực tế thậm chí những buổi ngoại khoá sẽ giúp những học viên thuộc nhóm này tiếp thu kiến thức mới hiệu quả nhất.
Nghe/nói: Những học viên thuộc nhóm này sẽ tiếp thu thông tin hiệu quả nhất khi họ nhận được thông tin dưới dạng văn nói. Những bài giảng trên lớp và những buổi thảo luận theo nhóm sẽ rất có ích cho em. Nghe băng cũng là một cách học rất hiệu quả cho tuýp học viên này. Bởi vậy thay vì chỉ ghi chép bằng giấy bút thông thường, em có thế ghi âm lại bài giảng rứ nghe lại khi ôn bài ở nhà. Và hãy thử đọc to thông tin khi ôn bài thay vì đọc thầm, em sẽ thấy tốc độ xử lý thông tin cũng như hiệu quả học tập được cải thiện rõ rệt. Để việc học hiệu quả hơn nữa, em cũng có thể học tập theo nhóm hoặc tìm một ai đó mà để học cùng vài tiếng trong ngày.
Hãy xác định những điểm khác biệt giữa bốn phong cách học cơ bản và tự đánh giá xem cách học nào là phù hợp với em hơn cả.
Người học tiếng Anh có phong cách là người xác định được thế mạnh của bản thân và tìm ra cách hiệu quả nhất để phát huy những thế mạnh ấy. Theo thuyết đa thông minh của Gadner, mỗi con người có khả năng biểu đạt tri thức của mình theo 8 cách khác nhau và học theo cách tốt nhất như thế nào, bao gồm các loại như sau: thông minh ngôn ngữ, thông minh logic toán học, thông minh về âm nhạc, thông minh về thể chất, thông minh về không gian, thông minh về giao tiếp xã hội, thông minh nội tâm và thông minh về tự nhiên. Như vậy, thầy cô giáo cần coi trọng sự đa dạng về trí thông minh ở mỗi học sinh, mỗi loại trí tuệ đều quan trọng và mỗi học sinh đều có ít nhiều khả năng theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Vận dụng thuyết đa thông minh trong dạy học, giáo viên cần vận dụng các phương pháp dạy học tích cực một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng phù hợp với các loại trí thông minh khác nhau của HS lớp mình đang giảng dạy.Theo định hướng này, tổ chức dạy học bằng bản đồ tư duy thông qua các hoạt động:
-         Hoạt động 1: HS nghiên cứu tài liệu, đọc thầm SGK, tìm từ khóa (phát huy trí thông minh nội tâm, ngôn ngữ);
-         Hoạt động 2: HS thảo luận nhóm, lớp về nội dung, dưới sự dẫn dắt gợi ý của GV (phát huy trí thông minh giao tiếp);
-         Hoạt động 3: HS thiết lập bản đồ tư duy về bài học (phát huy trí thông minh ngôn ngữ, lôgic, không gian) vì bản đồ tư duy là sự kết hợp cả đường nét, màu sắc, chữ viết và có thể vẽ thêm các hình ảnh liên tưởng trong thực tế cuộc sống, trong thiên nhiên vào bản đồ tư duy (trí thông minh tự nhiên học).
-         Hoạt động 4: HS thuyết trình về bản đồ tư duy trước nhóm, lớp. Việc thuyết trình cần cả ngữ điệu, âm điệu, điệu bộ cơ thể (phát huy trí thông minh giao tiếp, hình thể động năng, âm nhạc).
Hàng ngày mỗi chúng ta đều sử dụng tám loại hình thông minh nhưng cách thể hiện hoàn toàn khác nhau. Mỗi chúng ta là một bài hát được viết nên từ 8 nốt nhạc Đồ, Rê, Mi, Fa, Son, La, Si, Đô. Cách chúng ta kết nối các nốt nhạc rất khác biệt nên không có bài hát nào giống nhau hoàn toàn. Khi sử dụng tất cả các loại hình trí thông minh theo cách của riêng mình, mỗi người sẽ góp vào thế giới một giai điệu riêng biệt mà không ai có thể tạo ra.
Như vậy, cùng với sự đa dạng về môi trường và phương pháp học tập tiếng anh, thì việc tự học tiếng Anh qua mạng đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các em chiếm lĩnh ngôn ngữ quốc tế này. Một điều thuận lợi của các trang mạng đó chính là phát triển nhiều kỹ năng cho các em như nghe, nói, đọc, viết, ngữ pháp, kỹ năng làm bài kiểm tra và kiến thức văn hóa. Có thể kể đến các websites hữu ích cho việc thực hành tiếng cho các em
1.      http://eleaston.com/english
2.      http://www.eslcafe.com
3.      www.bbc.co.uk
4.      Hoặc trang web chính thức của hội đồng Anh www.britishcouncil.org.
5.      Hoặc các em có thể đánh vào các từ chìa khóa như: free english, learning english, english at home, english study, các em sẽ tìm được trang web hỗ trợ cho việc tự học tiếng anh của mình.
Sau cùng, một điều mà các em hãy luôn luôn tự nhắc nhủ mình: “hãy đầu tư vào việc học”. Em không thể gặt hái nếu không gieo trồng, vun bón; không thể có lợi nhuận kinh doanh nếu không bỏ vốn đầu tư. Vậy, hãy đầu tư cho việc học cả về thời gian và vật chất tuỳ khả năng của từng người. Bên cạnh đó, sự ham thích và say mê đối với việc học tiếng Anh cũng đóng một vài trò quan trọng không kém. Bởi có thể giao tiếp thông thường bằng tiếng Anh chỉ đòi hỏi vài ba năm, thậm chí cả một đời người. Em không thể gắn bó cả cuộc đời với một công việc mà mình không yêu thích. Có bao giờ em thấy người nào thành đạt trong lĩnh vực mà anh ta chán ghét chưa? Vậy, em phải tự tạo cho mình niềm đam mê đó. Và thật chính đáng khi niềm đam mê của em là nắm vững tri thức, nắm vững một ngôn ngữ. Hơn thế nữa, riêng bản thân luyện tập, trau dồi tiếng Anh hàng ngày, còn giúp em phát huy đức tính cần cù, nhẫn nại và rèn luyện cho em một trí thức tốt.
Chúc các em thành công!