Công văn mới

Thống kê

  • Đang truy cập: 3
  • Hôm nay: 712
  • Tháng hiện tại: 44433
  • Tổng lượt truy cập: 5889833

Thăm dò ý kiến

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm Website trường chúng tôi, các bạn biết trường chúng tôi thông qua phương tiện nào ?

Google

Facebook

Người thân, đồng nghiệp

Phương tiện khác

Bé gái khuyết tật ước mơ làm cô giáo dạy vẽ

Đăng lúc: Chủ nhật - 08/03/2015 11:29 - Người đăng bài viết: Đào Văn Hường
Dân trí Dù không có đôi chân và đôi bàn tay thiếu đi nhiều ngón, hàng ngày em Đa Cát Ka Niêm vẫn đến trường đều đặn trên lưng cha, đôi vai gầy của mẹ và trong sự cảm phục của nhiều người.

Đôi chân khuyết

Tôi gặp em Đa Cát Ka Niêm vào một buổi trưa nắng gắt của xứ Đầm Ròn (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) khi em đang “trên lưng” mẹ tới trường. Người mẹ với khuôn mặt phúc hậu và khắc khổ ấy đang từng bước “địu” đứa con gái bé bỏng của mình đi tìm những con chữ.

Video: Cô bé khuyết tật Đa Cát Ka Niêm với hành trình tìm con chữ:


Bước đi khó nhọc nhưng cô Đa Cát KJông, mẹ của Ka Niêm vẫn vui vẻ chia sẻ, hôm nay bố con bé lên rẫy nên bà cõng con đi học, hàng ngày hai người vẫn thay nhau “địu” con đến trường.

Đa Cát Ka Niêm dù không có đôi chân và đôi bàn tay thiếu đi nhiều ngón nhưng hàng ngày em vẫn đến trường đều đặn trên lưng cha, đôi vai gầy của mẹ. Không khó để bắt gặp một cô bé “tí hon” với nụ cười trong trẻo lúc nào cũng hiện hữu trên đôi môi.

Ka Niêm (
Ka Niêm (bên phải) có đôi mắt biết nói và nụ cười luôn hiện hữu trên môi.

“Ka Niêm chỉ thích đến trường thôi, nghỉ một ngày ở nhà nó không chịu đâu. Cháu nói, ở nhà buồn lắm đến trường có nhiều bạn bè vui hơn”, với những giọt mồ hôi thấm ướt trên mặt bà Đa Cát KJông chia sẻ.

Ka Niêm là đứa con thứ bảy trong nhà, thương con không được lành lặn như các bạn cùng trang lứa, lại thấy con ham học chữ nên hai vợ chồng nghèo - người Cill (K’Ho) ấy vẫn cố gắng đồng hành trên hành trình tìm con chữ của con.

Hàng ngày em đến trường trên lưng cha, mẹ
Hàng ngày em đến trường trên lưng cha, mẹ.

Dù không có đôi chân nhưng Ka Niêm luôn ý thức được việc học hành và không ngừng nỗ lực. Khi ở nhà em có thể tự sinh hoạt được như tự tắm rửa, giặt quần áo. Những lúc cả gia đình lên nương rẫy hết không có người ở nhà, bố mẹ chỉ cần đặt thức ăn ở chỗ thấp để cô bé có thể với lấy được, khi đến học ở Trường THCS Liêng Trang (xã Đầm Ròn, huyện Đam Rông, Lâm Đồng), Ka Niêm mới cần đến sự giúp đỡ.

Giờ ra chơi các bạn ra ngoài vui đùa là lúc Ka Niêm ngồi chép lại bài, vì đôi tay em chỉ có hai ngón nên việc ghi chép chậm hơn mọi người.

Giờ ra chơi khi các bạn ra ngoài vui đùa, cũng là lúc cô bé Ka Niêm cặm cụi chép lại bài
Giờ ra chơi khi các bạn ra ngoài vui đùa, cũng là lúc cô bé Ka Niêm cặm cụi chép lại bài
Giờ ra chơi khi các bạn ra ngoài vui đùa, cũng là lúc cô bé Ka Niêm cặm cụi chép lại bài.

Dù hàng ngày đến trường trên lưng cha mẹ, nhưng ngày nào Ka Niêm cũng đến trước bạn bè để chuẩn bị bài.

“Ka Niêm không thích đi học muộn sợ xấu hổ với bạn bè, em thường nói bố mẹ đưa đi học sớm hơn”, đó là chia sẻ của thầy MBon Ha Chi, giáo viên chủ nhiệm lớp Ka Niêm.

Ngoài việc cần cù đến lớp, trong tất cả giờ học em rất hăng say phát biểu. Ka Niêm học rất tốt môn Toán và đặc biệt môn vẽ thì điểm tuyệt đối, thầy Ha Chi nói thêm.

Được biết, đối với Trường THCS Liêng Trang, việc duy trì sĩ số lớp học luôn là vấn đề cấp bách. Phần đông học sinh ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, thường phải theo cha mẹ nên nương rẫy nên các em không mấy “mặn mà” với con chữ. Do vậy, hàng ngày, thấy cô bé Ka Niêm đến trường đều đặn khiến cho những người “gieo chữ” vùng cao có một cái nhìn cảm phục và lấy đó làm gương cho các học sinh khác.

“Ở những trường vùng sâu vùng xa như thế này việc vận động các em học sinh đến lớp đầy đủ là một điều hết sức khó khăn, việc Ka Niêm đến trường đều đặn là một điều hết sức đáng quý”, chia sẻ của thầy Phan Văn Diễn, hiệu trưởng Trường THCS Liêng Trang.

“Con muốn được đến trường, đừng cho con nghỉ học”

Cái nỗi “ham” chữ của Ka Niêm cứ ấp ủ, bằng việc kiên trì trong 6 năm đến trường trên lưng cha, mẹ và bạn bè. Suốt 6 năm liền em luôn đạt được những thành tích đáng tự hào.

Còn khá rụt rè khi gặp người lạ, em còn ngại ngần khi có người hỏi chuyện. Suốt buổi nói chuyện em chỉ cười và bộc bạch vài câu “con thích nhất môn vẽ”, “sau này con muốn làm cô giáo dạy vẽ”. Được biết, điểm môn Mỹ thuật của em luôn đạt giỏi.

“Ka Niêm vẽ đẹp lắm cô ạ”, một bạn học cùng lớp với Ka Niêm nói. Để minh chứng cho điều đó, bạn đó còn lấy những bức vẽ của Ka Niêm ra cho mọi người xem.

Ka Niêm luôn được bạn bè yêu thương
Ka Niêm luôn được bạn bè yêu thương.

Được biết, hai năm trước em được Hội Chữ thập đỏ huyện Đam Rông tặng một chiếc xe lăn, nhưng con đường vào nhà em ở xóm Đạ Tông, lô nhô toàn sỏi đá lớn khiến không thể di chuyển bằng xe lăn được.

Có chiếc xe lăn, cha mẹ Ka Niêm cũng đỡ vất vả hơn, những lúc bận rộn quá vợ chồng ông NDu Ha Đu (cha của Ka Niêm) chỉ cần cõng cô con gái lên chiếc cầu để qua con suối, sau đó nhờ bạn học cùng lớp đẩy xe lăn đến trường.

Gần đây thấy Ka Niêm “thưa” đến lớp bạn bè và thầy cô ai cũng thắc mắc và lo lắng cho em. Được biết, vừa qua bố mẹ Ka Niêm không muốn cho con mình đi học nữa vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Vào mùa vụ, cả nhà lên rẫy hết, không có ai chăm sóc và đưa đón em đi học.

Nhà trường và chính quyền địa phương đã phải đến vận động rất nhiều lần bố mẹ Ka Niêm mới cho con quay lại trường học. Được đến trường, Ka Niêm lại vui vẻ trêu đùa cùng bạn bè. Nhưng trong nụ cười và đôi mắt trong trẻo ấy luôn chứa đựng một nỗi niềm sâu xa “con không muốn nghỉ học đâu”, Ka Niêm nói.

“Nếu gia đình Ka Niêm không cho em đến lớp, chúng tôi đã tính đến việc vẫn để tên em trong danh sách của lớp. Cứ hàng tuần cử giáo viên đến dạy học cho em tại nhà, khi nào có bài kiểm tra thì cử người đón tới trường làm bài”, thầy Diễn nhấn mạnh điều này vì “tiếc” cô học trò “đặc biệt”.

Thế mới biết được rằng, thầy cô và bạn bè trong trường Liêng Trang luôn dành cho Ka Niêm một tình cảm đặc biệt. Trong trường học, Đa Cát Ka Niêm còn luôn được đem ra làm gương cho các bạn khác noi theo. Chỉ mong cho hành trình tìm con chữ của cô bé tật nguyền người Cill không bị dang dở.

Ngọc Hà

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!


Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí
Từ khóa:

bàn tay, cảm phục

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết