Công văn mới

Thống kê

  • Đang truy cập: 5
  • Hôm nay: 963
  • Tháng hiện tại: 43603
  • Tổng lượt truy cập: 5889003

Thăm dò ý kiến

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm Website trường chúng tôi, các bạn biết trường chúng tôi thông qua phương tiện nào ?

Google

Facebook

Người thân, đồng nghiệp

Phương tiện khác

Đinh Trọng Bảy - Giáo dục môi trường ở trường phổ thông dân tộc nội trú, vấn đề cấp bách hiện nay.

Đăng lúc: Thứ năm - 08/01/2015 22:36 - Người đăng bài viết: Nguyễn Đức Anh
Biện pháp quản lý công tác giáo dục môi trường ở trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Đinh Trọng Bảy
1. Đặt vấn đề
Môi trường là không gian sinh sống của con người và sinh vật, là nơi chứa đựng các nguồn tài nguyên cần thiết, nơi chứa đựng và phân hủy các chất thải do con người tạo ra trong cuộc sống và hoạt động sản xuất; đó không chỉ là nơi tồn tại, sinh trưởng và phát triển mà còn là nơi lao động và nghỉ ngơi, hưởng thụ và trau dồi những nét đẹp văn hóa, thẫm mỹ, … Qua lao động sản xuất, con người đã không ngừng tác động đến tất cả lĩnh vực của môi trường tự nhiên như đất, nước, không khí, …. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) mang tính toàn cầu và cấp bách.
Ở nước ta, BVMT đã được các cấp quan tâm sâu sắc. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1363/QĐ-TTg, ngày 17 tháng 10 năm 2001 về việc phê duyệt đề án: “Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân” và Quyết định số 256/2003/QĐ-Tg, ngày 02 tháng 12 năm 2003 về việc Phê duyệt chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác Giáo dục bảo vệ môi trường. Trong đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm đối với giáo dục phổ thông từ nay đến năm 2010 là trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng về môi trường, BVMT bằng hình thức tích hợp, hợp lý  trong các môn học, thông qua các hoạt động ngoại khóa và phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng, ngày 07/08/2008, Vụ Giáo dục Trung học đã xây dựng bộ tài liệu Giáo dục BVMT trong môn học theo hướng tích hợp nội dung BVMT trong các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Sinh học, Vật lý, Hóa học, công nghệ,... và ban hành công văn số 7120/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn tích hợp nội dung giáo dục BVMT trong quá trình dạy học.
Trong những năm qua, các trường phổ thông dân tộc nội trú (PT DTNT) đã rất mạnh dạn đưa nội dung Giáo dục môi trường (GDMT) tích hợp giảng dạy trong các bộ môn, hoạt động ngoại khóa, vv… nhưng kết quả đạt được chưa xứng tầm, còn nhiều bất cập, chưa liên tục, chưa đồng bộ, chưa gắn với thực tiễn của từng địa phương dẫn đến hiệu quả mang lại không cao. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện nay, ngành giáo dục Lâm Đồng cần phải nhìn nhận, đánh giá đúng những nguyên nhân của mặt ưu điểm, hạn chế, những thách thức trước mắt và lâu dài. Trên cơ sở đó, có thể tìm kiếm các biện pháp quản lý phù hợp, nâng cao công tác GDMT, BVMT cho học sinh nội trú. Từ đó, có sức lan tỏa đến cộng đồng là một việc làm cần thiết và cấp bách.
2. Thực trạng quản lý công tác giáo dục môi trường ở các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng
 2.3.1. Thực trạng nhận thức của CBQL, GV và học sinh về công tác GDMT ở các trường PT DTNT  tỉnh Lâm Đồng.
 Bảng 1. Khảo sát về mức độ cần thiết của công tác GDMT
                     Đối tượng khảo sát
 
Mức độ nhận thức
CBQL
(HT, PHT)
GV HS
SL  (%) SL  (%) SL  (%)
Rất cần thiết 15 83.3 97 77.0 513 73.3
Cần thiết 3 16.7 22 17.4 105 15.0
Ít cần thiết     7 5.6 82 11.7
Không cần thiết            
Từ kết quả khảo sát cho thấy, có 100%  CBQL, 94.4% GV và 88,3% HS cho rằng công tác GDMT trong trường PT DTNT là rất cần thiết và cần thiết. Như vậy, hầu hết CBQL, GV và HS đã nhận thức được vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác GDMT.
2.3.2. Thực trạng về quá trình tổ chức thực hiện công tác GDMT ở các trường PT DTNT tỉnh Lâm Đồng
2.3.2.1. Các hình thức tổ chức chính khóa
Hiện nay, việc GDMT ở các trường PT DTNT thông qua việc lồng ghép, tích hợp ở một số môn học như: Sinh học, Hóa học, Địa lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Lịch sử, Vật lý, Công nghệ, Tiếng Anh. Vì vậy, chúng tôi tiến hành khảo sát đánh giá việc tích hợp, lồng ghép của GV và HS ở các bộ môn này, kết quả theo bảng 2.
Bảng 2. Khảo sát về quá trình tổ chức thực hiện công tác GDMT
Nội dung Nhóm đối tượng Mức độ thực hiện Kết quả thực hiện
Hình thức hoạt động chính khóa TX KTX KTH Tốt Khá TB Yếu
 
Sinh học
GV
11
SL 7 2 2 5 2 3 1
% 63.6 18.2 18.2 45.5 18.2 27.3 9.1
HS
700
SL 455 186 59 464 117 70 49
% 65.0 26.6 8.4 66.3 16.7 10.0 7.0
 
Hóa học
GV
7
SL 2 3 2 0 2 3 2
% 28.6 42.8 28.6 0.0 28.6 42.8 28.6
HS SL 0 483 217 0 12 497 191
% 0.0 69.0 31.0 0.0 1.7 71.0 27.3
 
Địa lí
 
GV
9
SL 5 2 2 1 4 2 2
% 55.6 22.2 22.2 11.1 44.4 22.2 22.2
HS SL 366 246 88 74 466 109 51
% 52.3 35.1 12.6 10.6 66.6 15.5 7.3
 
GDCD
GV
7
SL 5 2 0 2 2 2 1
% 71.4 28.6 0.0 28.6 28.6 28.6 14.2
HS SL 462 210 28 352 259 89 0
% 66.0 30.0 4.0 50.3 37.0 12.7 0.0
 
Công nghệ
GV
14
SL 7 5 2 5 5 2 2
% 50.0 35.7 14.3 35.7 35.7 14.3 14.3
HS SL 420 233 47 233 396 23 48
% 60.0 33.3 6.7 33.3 56.6 3.3 6.9
 
Ngữ văn
GV17 SL 0 11 6 0 0 11 6
% 0.0 64.7 35.3 0.0 0.0 64.7 35.3
HS SL 0 399 301 0 133 103 464
% 0.0 57.0 43.0 0.0 19.0 14.7 66.3
 
Tiếng anh
GV
9
SL 0 3 6 0 0 7 2
% 0.0 33.3 66.7 0.0 0.0 77.8 22.2
HS SL 0 236 464 0 101 103 496
% 0.0 33.7 66.3   14.4 14.7 70.9
Hoạt động chính khóa GV
126
SL 61 41 24 40 50 29 7
% 48.4 32.5 19.1 31.7 39.7 23.0 5.5
HS
700
SL 230 357 113 350 112 114 124
% 32.9 51.0 16.1 50.0 16.0 16.3 17.7
Đối với việc giảng dạy lồng ghép, tích hợp GDMT vào các bộ môn Sinh, Địa, GDCD, Công nghệ, Vật lý, Hóa học, Văn, Tiếng anh,…., chúng tôi nhận thấy rằng các môn Sinh, Địa, GDCD, việc GV bộ môn dạy lồng ghép, tích hợp kiến thức GDMT được HS đánh giá cao, những môn còn lại tỷ lệ thấp hơn. So sánh kết quả thực hiện giữa các môn của GV và HS, cho thấy mức độ thực hiện và kết quả cũng có độ chênh lệch lớn và tập trung ở một số bộ môn, các môn còn lại chưa được GV chú trọng.
2.3.2.2. Các hình thức tổ chức không chính khóa
GDMT thông qua hoạt động không chính khóa, hoạt động NGLL và hoạt động của các tổ chức trong nhà trường, ngoài nhà trường thực hiện như: Đội TNTP Hồ Chí Minh hoặc Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Tìm hiểu thực trạng các hoạt động này ở các trường PT DTNT, nếu cấp trên có phát động phong trào về GDMT thì các trường mới tổ chức hoạt động và chọn HS tham gia thi, đối với việc chủ động đưa hoạt động GDMT và kế hoạch hoạt động năm, học kỳ thì lãnh đạo, cũng như các tổ chức, đoàn thể của nhà trường chưa thực sự quan tâm, chưa chú ý đến nội dung GDMT.
2.3.3. Thực trạng về đội ngũ GV giảng dạy GDMT
Bảng 3. Khảo sát về trình độ đào tạo và kết quả giảng dạy của GV về GDMT
      Thông tin về
Số liệu %          GV
Trình độ đào tạo chuyên môn chính khóa Bồi dưỡng về GDMT Xếp loại GV dạy GDMT
  Đạt
chuẩn
Trên chuẩn Kiêm nhiệm Giỏi Khá TB Yếu
Số lượng (126) 29 97 34 27 19 49 52 6
 Tỷ lệ % 23 77 27 21.4 15.1 38.9 41.3 4.7
Kết quả khảo sát cho thấy, GV đã có nhiều cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ GDMT ở trường PT DTNT. Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác GDMT ở các trường còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân do số GV được tập huấn, bồi dưỡng về GDMT còn ít, số GV cùng dạy một bộ môn không nhiều. Chính vì vậy, việc triển khai giảng dạy GDMT gặp nhiều khó khăn trong công tác trao đổi kinh nghiệm, đánh giá, xếp loại giờ dạy hoặc rút kinh nghiệm giảng dạy GDMT.
2.3.4. Thực trạng về cơ sở vật chất và phương tiện dạy học GDMT
Hiện nay, các trường PT DTNT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cách xa các khu sinh thái nên đã dùng phòng học để lồng ghép dạy GDMT, bàn ghế HS được bố trí theo hướng truyền thống nhìn về bảng. Chính vì thế, phương pháp hoạt động nhóm gặp khó khăn; 6/7 trường không có nhà tập đa năng để triển khai hoạt động chuyên đề, câu lạc bộ về môi trường. Các hoạt động này bị động và phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Điều này ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Về tư liệu dạy học, các cấp quản lý chỉ dừng lại việc nhận tài liệu hướng dẫn từ dự án, các chương trình tập huấn triển khai của Bộ GD&ĐT, hướng dẫn của Sở GD&ĐT để triển khai. Tuy nhiên, tài liệu, đồ dùng dạy học, phim, ảnh, tư liệu cho GV giảng dạy GDMT chưa đầy đủ hoặc không có.
Về phía GV, một số GV còn ngại khó, chưa tìm tòi nghiên cứu tài liệu, chưa tự làm đồ dùng dạy học để việc giảng dạy GDMT có hiệu quả hơn.
3. Biện pháp quản lý công tác giáo dục môi trường ở các trường PT DTNT tỉnh Lâm Đồng
3.2.1. Biện pháp 1. Nâng cao nhận thức của GV, HS và các lực lượng giáo dục về sự cần thiết của GDMT
Trong nhiệm vụ năm học, ngoài các nội dung quản lý, cần chú trọng đến công tác GDMT, mà HT là người đầu tiên cần có ý thức và trực tiếp chỉ đạo hoạt động này. Thông qua hội nghị cán bộ công chức, hội nghị cha mẹ HS, Hội nghị Công đoàn, đại hội Liên đội hàng năm quán triệt cho cán bộ, GV, HS, cha mẹ HS và các tổ chức đoàn thể có nhận thức đúng đắn về công tác GDMT.
- Đối với cán bộ, GV và các thành viên trong hội đồng giáo dục: phổ biến và tổ chức học tập các Nghị quyết, văn bản, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Bộ GD&ĐT và hướng dẫn của Sở GD&ĐT Lâm Đồng về công tác GDMT cho HS trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, làm cho các thành viên trong Hội đồng nhà trường thấm nhuần chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của công tác GDMT, nhận thức được vai trò của GDMT đối với sự phát triển của địa phương, của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
- Đối với học sinh: thông qua hoạt động giáo dục chính khóa, HT cần có kế hoạch theo dõi sự tiến bộ về học tập, cũng như quản lý tốt hoạt động của HS về GDMT. Từ đó, giúp HS thấy được vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác GDMT gắn với quá trình hình thành và phát triển toàn diện nhân cách, đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. HT có kế hoạch tổ chức các buổi thảo luận, chuyên đề, đố vui để học, thi vẽ, viết, sáng tác, … về môi trường và BVMT; thi tái chế, tái sử dụng vật liệu để cung cấp những kiến thức cần thiết về GDMT.  HT cần xây dựng các tiêu chí thi đua và thực hiện thường xuyên đối với công tác BVMT như: giữ gìn vệ sinh lớp học, phòng ở ký túc xá, nhà bếp, nhà ăn, khu vệ sinh, …, bảo vệ cây xanh, tiết kiệm điện nước, giữ gìn tài sản nhà trường, cấm hút thuốc lá, xả rác,… thông qua các hoạt động đó, giúp HS nâng cao nhận thức về môi trường và BVMT.
- Đối với cha mẹ học sinh: phổ biến vai trò, vị trí và nhiệm vụ công tác GDMT ở nhà trường để các bậc cha mẹ HS có nhận thức đúng đắn về quá trình GDMT. Đồng thời, HT cần phải kêu gọi các bậc cha mẹ HS thực hiện gương mẫu về công tác giữ vệ sinh môi trường và BVMT. Từ đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của họ đối với việc phối hợp GDMT cho con em, tạo sức lan tỏa đến cộng đồng dân cư và toàn xã hội.
- Đối với cộng đồng dân cư, các tổ chức đoàn thể  chính trị xã hội
HT cần tập trung chỉ đạo HS tham gia những hoạt động vệ sinh môi trường ở nhà trường, ở địa phương: thị trấn, huyện, thôn, bản, xã… tổ chức nhằm phát động mọi người, mọi nhà giữ gìn môi trường và BVMT trong sạch.
3.2.2. Biện pháp 2. Thực hiện có hiệu quả các chức năng quản lý hoạt động GDMT
Khi vào năm học mới, nhà trường cần tổng kết công tác quản lý về GDMT cho HS trong năm học trước, trong đó, phân tích rõ những thành công và tồn tại, những thuận lợi và khó khăn, những thời cơ, thách thức, nắm bắt những tình hình mới, những yêu cầu thiết thực của công tác GDMT, bài học kinh nghiệm trong quản lý và xây dựng kế hoạch năm học hợp lí.
          - Tổ chức các hoạt động giáo dục chính khóa: nhà trường cần tập trung thực hiện có hiệu quả các công việc cụ thể sau đây:
+ Chỉ đạo nội dung GDMT lồng ghép thông qua họp tổ chuyên môn, bộ môn.
+ Chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy GDMT.
+ Quản lý việc sử dụng phương tiện dạy học trong GDMT
+ Công tác tổ chức thao giảng, dự giờ của GV giảng dạy GDMT.
- Tổ chức  quản lý việc thực hiện GDMT qua hoạt động NGLL:
+ Giáo dục trong môi trường: sử dụng môi trường như là một nguồn lực cho các hoạt động dạy học. Môi trường sống ở các địa phương, ở cộng đồng dân cư nơi học sinh sinh sống, học tập, là phòng thí nghiệm, là bảo tàng tự nhiên phong phú, đa dạng cung cấp các nguồn thông tin, phương tiện để GDMT.
+ Tổ chức cho HS theo dõi chương trình GDMT và BVMT trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương.
+ Tổ chức các loại hình sinh hoạt: Tổ chức tham quan, dã ngoại, chiến dịch môi trường, câu lạc bộ môi trường trong HS.
- Quản lý hoạt động của HS về GDMT: quản lý hoạt động của HS dưới hai hình thức là hoạt động học tập và hoạt động GDMT, BVMT.
+ Quản lý hoạt động học tập của HS: HT cần kiểm tra hoặc ủy quyền cho các phó HT, tổ trưởng chuyên môn, GV tiến hành kiểm tra sự chuyên cần của HS, khả năng tiếp thu bài, vận dụng kiến thức đã tiếp thu để giải quyết một vấn đề cụ thể về môi trường nảy sinh trong cuộc sống.
+ Quản lý hoạt động GDMT và BVMT: HT kiểm tra HS tham gia giữ gìn vệ sinh trường, lớp, ký túc xá, nhà ăn, BVMT trong và ngoài nhà trường.
3.2.3. Biện pháp 3. Nâng cao chất lượng đội ngũ GV giảng dạy GDMT ở trường phổ thông dân tộc nội trú
- Bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp và kỹ năng GDMT cho đội ngũ GV: trong công tác GDMT, đội ngũ GV đóng vai trò chủ đạo. Do vậy, đội ngũ GV cần được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn. Các nội dung về GDMT phải được bồi dưỡng, tập huấn bằng các hình thức khác nhau như dự hội thảo, tập huấn, học tập kinh nghiệm, tham quan các mô hình giáo dục hoặc cử CBQL, GV đi đào tạo các lớp ngắn hạn, dài hạn, …các kỹ năng, phương pháp giảng dạy; bồi dưỡng cho giáo viên kiêm nhiệm, cán bộ Đoàn, đội.
- Giới thiệu GV tham gia các lớp tập huấn chuyên đề, tham quan học tập kinh nghiệm về công tác GDMT ở các trường, các cơ sở giáo dục. Hàng năm, nội dung công tác này, cần được HT xây dựng trong kế hoạch chung về bồi dưỡng GV. Qua đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của GV được nâng cao, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục nói chung và GDMT nói riêng.
- Tổ chức hội thảo, hội nghị về chủ đề GDMT cho HS trong nhà trường nhằm giúp GV có cơ hội trảo đổi kinh nghiệm trong việc tổ chức hoạt động và giảng dạy các nội dung GDMT cho HS; giúp HS có thể nói lên suy nghĩ của mình bằng các bài tham luận, báo cáo, …
- Tăng cường các tài liệu, giáo trình, phương tiện dạy học hỗ trợ cho GV, tạo điều kiện thuận lợi cho GV giảng dạy, nghiên cứu về chủ đề GDMT. Cùng với giáo trình đã được in thành sách, cần phải bổ sung các sách tham khảo về chủ đề này cho GV và HS, xây dựng bản tin, các thông tin được cập nhật trong và ngoài nước, các tạp chí chuyên ngành, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của các Bộ, Ngành, các mô hình hoạt động tốt, những số liệu thống kê cập nhật, các loại hình hoạt động có liên quan đến GDMT, BVMT để làm đa dạng và phong phú nguồn tư liệu dạy học.
- Tổ chức giao lưu hoặc kết nghĩa giữa đội ngũ GV của trường với trường THCS ở địa bàn huyện.
- Tăng cường vai trò của trưởng các tổ chức như Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng phụ trách đội TNTP Hồ Chí Minh để thực hiện công tác GDMT.
3.2.4. Biện pháp 4. Tổ chức các điều kiện hỗ trợ công tác GDMT
- Tổ chức các chế định về GDMT: Các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, của nhà trường về GDMT là cơ sở pháp lý, là công cụ để HT tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá về công tác GDMT. HT cần phổ biến, triển khai các chính sách chủ trương về GDMT của cấp trên đến các phó HT, các tổ chuyên môn và thành viên trong Hội đồng giáo dục nhà trường. Ngoài ra, HT cần xây dựng những tiêu chí thi đua, khen thưởng cán bộ, GV và HS về GDMT và BVMT áp dụng cho từng năm học. Từ đó, các thành viên có cơ sở, có điều kiện để thực hiện GDMT, BVMT.
- Đầu tư tài chính, cơ sở vật chất cho công tác GDMT
Trong công tác quản lý tài chính của trường, HT cần có kế hoạch thu chi cho từng hoạt động. Trong kế hoạch đó, HT cần dành cho công tác GDMT một nguồn kinh phí để mua sắm tài liệu, sách giáo khoa và các phương tiện dạy học, xây dựng cơ sở vật chất để tạo những điều kiện thuận lợi cho công tác GDMT cho HS, giành một phần kinh phí để tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh; bố trí kinh phí khen thưởng.
Việc bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường …là việc làm cần thiết. Vì vậy, HT phải lập kế hoạch tài chính, tiết kiệm kinh phí để đầu tư cho lĩnh vực này.
Ngoài ra, HT cần huy động kinh phí GDMT từ nhiều nguồn: đóng góp của Ban Đại diện cha mẹ HS, tài trợ của các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ,… để bảo đảm nhu cầu tài chính cần thiết cho các hoạt động GDMT ở trường PT DTNT.
- Tổ chức xây dựng môi trường sư phạm “xanh - sạch - đẹp”: Môi trường sư phạm là môi trường sống để mọi thành viên trong nhà trường thể hiện nhận thức, thái độ, kỹ năng và hành động BVMT. Vì vậy, việc tổ chức, xây dựng môi trường sư phạm “xanh - sạch - đẹp” là nhiệm vụ quan trọng của HT.
- Tăng cường mối liên kết của nhà trường với các tổ chức chính trị - xã hội ngoài nhà trường: việc GDMT, BVMT không chỉ được tuyên truyền trong HS mà phải được tuyên truyền sâu rộng đến mọi đối tượng của cộng đồng. Các hoạt động GDMT diễn ra cả trong và ngoài nhà trường, trong chương trình chính khóa và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường với các tổ chức trong và ngoài nhà trường là một điều kiện quan trọng bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả công tác GDMT.
3.2.5. Biện pháp 5. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, khen thưởng về công tác GDMT, BVMT
- Kiểm tra việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch của các bộ phận. 
- Kiểm tra thực hiện quy chế chuyên môn của giáo viên: nội dung, chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy và phương tiện dạy học trong quá trình giảng dạy của GV, hồ sơ giáo viên, …)
- Kiểm tra các hoạt động ngoài giờ lên lớp của GV và HS: nhận thức, thái độ, kỹ năng và hành động BVMT, phong trào học tập và tham gia hoạt động BVMT, công tác vệ sinh trường, lớp, ký túc xá, nhà ăn hàng ngày.
- Kiểm tra, đánh giá hiệu quả sự phối hợp giữa các lực lượng chính trị - xã hội trong và ngoài nhà trường.
* Cần kết hợp hình thức kiểm tra: kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất. Đối với công tác GDMT cho HS trong từng giai đoạn, cần có đánh giá tổng kết hoạt động và các hình thức khen thưởng để động viên, khích lệ GV và HS trong trường tham gia.
Qua kiểm tra, HT cần tăng cường công tác khen thưởng để động viên tuyên dương những CB, GV, HS, những tập thể làm tốt công tác GDMT và BVMT. HT có thể dùng nhiều biện pháp khen thưởng khác nhau như khen thưởng theo chủ đề, chủ điểm; khen thưởng theo từng phong trào hoặc khen thưởng đột xuất cho cá nhân lập thành tích xuất sắc. Từ đó, tạo phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp trong nhà trường.
4. Kết luận
Từ  kết quả nghiên cứu lí luận và khảo sát, đánh giá thực trạng một cách khách quan, chúng tôi đề xuất năm giải pháp quản lý công tác giáo dục môi trường ở các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng. Các giải pháp đề xuất nếu được áp dụng một cách hợp lý trong những điều kiện thực tiễn phù hợp sẽ mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, những giải pháp đề xuất mới chỉ là bước đầu, cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dần trong quá trình triển khai thực hiện thì hiệu quả mang lại sẽ thiết thực hơn.
Các giải pháp đề xuất nếu được thực hiện một cách đồng bộ, linh hoạt, sẽ tạo được bước đột phá quan trọng đối với việc quản lý công tác giáo dục môi trường trong tình hình hiện nay, nhằm vận dụng sáng tạo nội dung, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, tạo được sức lan tỏa trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh và cộng đồng dân cư.
 
Tác giả:
Đinh Trọng Bảy – Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Đam Rông, Lâm Đồng.

Tài liệu tham khảo
1. Phùng Đình Mẫn (chủ biên), Những vấn đề cơ bản về đổi mới giáo dục trung học phổ thông hiện nay, Trường Đại học sư phạm – Đại học Huế, 2003.
2. UBND tỉnh Lâm Đồng, Đề án xây dựng và củng cố và phát triển hệ thống trường PT DTNT tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2010 – 2015.
3. Hoàng Đức Nhuận (1997), Bảo vệ môi trường, Sách Bồi dưỡng thường xuyên, chu kỳ 1997 – 2000 cho GV THCS, NXB Khoa học giáo dục, Hà Nội.
 
 
Tác giả bài viết: Đinh Trọng Bảy