Công văn mới

Thống kê

  • Đang truy cập: 4
  • Khách viếng thăm: 3
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 712
  • Tháng hiện tại: 44392
  • Tổng lượt truy cập: 5889792

Thăm dò ý kiến

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm Website trường chúng tôi, các bạn biết trường chúng tôi thông qua phương tiện nào ?

Google

Facebook

Người thân, đồng nghiệp

Phương tiện khác

Cần đào tạo gấp giáo viên chất lượng cao

Đăng lúc: Thứ năm - 05/01/2017 06:00 - Người đăng bài viết: Đào Văn Hường
Dân trí Giáo viên chất lượng cao một lực lượng nòng cốt để hội nhập quốc tế, đáp ứng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Giáo viên chất lượng cao là gì?

PGS.TS Nguyễn Đức Vượng và Thạc sĩ Nguyễn Đức Minh, trường ĐH Quảng Bình nhận định: giáo viên chất lượng cao không đồng nghĩa với chỉ học giỏi, đạo đức tốt. Nghĩa là nếu một sinh viên cho dù có học giỏi, đạo đức tốt nhưng lại không có đóng góp gì thực sự có giá trị về mặt khoa học trong suốt quá trình học tập, dạy học hoặc nghiên cứu khoa học thì không được gọi là giảng viên chất lượng cao.

Ngược lại, những giáo viên có thành tích chưa cao trong học tập, nhưng chuyên môn rất giỏi về một lĩnh vực nào đó như giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, đáp ứng tốt yêu cầu công việc và có những đóng góp thực sự có giá trị cho việc học tập và nghiên cứu thì đó chính là giáo viên chất lượng cao.

Vì vậy, nguồn giáo viên được tuyển chọn từ sinh viên chất lượng cao là những người có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc nhất, sáng tạo nhất, có đóng góp thực sự hữu ích cho công việc dạy học cũng như nghiên cứu khoa học ở các bậc học.

PGS.TS Nguyễn Đức Vượng cho rằng, trong những năm tới Việt Nam tiếp tục hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng hơn, ngành giáo dục và đào tạo đổi mới căn bản và toàn diện, nhu cầu nguồn giáo viên chất lượng cao ngày càng tăng lên thì sự mất cân đối giữa cung và cầu về lao động này sẽ diễn ra ngày càng trầm trọng hơn nếu không có những biện pháp hiệu quả để giải quyết ngay từ bây giờ.

Để giải quyết nguồn giáo viên chất lượng cao vai trò rất quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học Sư phạm đào tạo, cung cấp nguồn giáo viên chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập là rất cần thiết.

Nhà giáo ưu tú Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD ĐT cho rằng, giáo dục và đào tạo được xem là nền tảng, là động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội. Từ đó việc đào tạo đội ngũ nhà giáo đủ sức góp phần cùng ngành giáo dục trở thành một động lực của phát triển kinh tế xã hội nước nhà là một yêu cầu bức xúc thực sự. Đất nước luôn cần có những nhà giáo có đức, có tâm huyết và tận tụy với nghề sư phạm.

Bà Mai dẫn chứng, báo cáo của UNESCO ở Liên hợp quốc về giáo dục đã đánh giá: nếu một nước đầu tư cho giáo dục, nâng trình độ dân trí lên 1 lớp thì GDP nước đó sẽ tăng lên 1%. Vì vậy, nhiều chuyên gia giáo dục trên thế giới đã cho rằng phải đổi mới công tác đào tạo giáo viên thì mới đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nước đó. Đổi mới căn bản giáo dục tức là góp phần tăng cường động lực trong sự phát triển kinh tế và xã hội nước đó.

"Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục điều cần làm trước tiên là tập trung vào công tác đào tạo giáo viên hay nói cách khác là tập trung đầu tư cải cách nội dung và phương pháp đào tạo ở các trường khoa sư phạm"- bà Mai nhấn mạnh.

 Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục rất cần đội ngũ nhà giáo chất lượng cao

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục rất cần đội ngũ nhà giáo chất lượng cao

Tập trung nội dung đào tạo phương pháp kiến tạo sư phạm

Bà Mai đề xuất, cần tập trung nội dung đào tạo phương pháp kiến tạo sư phạm. Mỗi nhà giáo phải là một nhà công tác chính trị tư tưởng, đạo đức học và kỹ sư tâm hồn.

Theo bà Mai, quan niệm dạy học mới hiện nay trên thế giới thì phải phân bổ dành cho giảng viên đại học là 30 - 30 -40. Có nghĩa là giảng viên dạy 30%, học sinh nghiên cứu 30%, 40% là thời gian tương tác giữa thày và trò. Đây mới là thời gian giảng viên thực sự giảng dạy và làm nhiệm vụ giáo dục và bồi dưỡng kỹ năng tự học cho sinh viên.

Đặc biệt, giảng viên các khoa, sư phạm cần nắm vững phương châm tích hợp về "Dạy chữ, dạy người" trong giáo dục. Vấn đề này thuộc về ý thức của hệ thống sư phạm, không chỉ có môn đạo đức và giáo dục công dân làm nhiệm vụ dạy người mà tất cả các môn học đều phải chú trọng việc giáo dục đạo đức, đạo làm người cho học sinh.

Để có nguồn giáo viên chất lượng cao được đào tạo trong các trường sư phạm nói chung, PGS.TS Nguyễn Đức Vượng và Thạc sĩ Nguyễn Đức Minh, trường ĐH Quảng Bình đã đề xuất: Cần quy hoạch và phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt là nguồn giảng viên trẻ nhằm đáp ứng tốt yêu cầu công tác của nhà trường.

Các trường sư phạm cần có chiến lược trong việc đào tạo bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả đội ngũ giảng viên trẻ. Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định nhằm tạo ra nguồn giảng viên trẻ giàu tri thức và nhiệt huyết, có khả năng thích ứng linh hoạt với yêu cầu của sự nghiệp giáo dục và đào tạo; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên.

Mặc khác, theo PGS.TS Nguyễn Đức Vượng, cần nâng cao kiến thức thực tế, kỹ năng nghề nghiệp và năng lực ngoại ngữ cho giảng viên, sinh viên. Tăng cường mở rộng liên kết với các trường THPT trong đào tạo nguồn giáo viên chất lượng cao thông các các hình thức như: mời các giáo viên THPT có uy tín cùng tham gia chương trình đào tạo. Tăng cường mở rộng liên kết với các trường ĐH Sư phạm danh tiếng trên thế giới nhằm nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên, luôn bổ sung và đổi mới giáo trình giảng dạy, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với những kiến thức mới nhất trên thế giới.

Đa dạng hóa các kênh và phương thức đào tạo, mở rộng việc hợp tác giữa các trường sư phạm trong nước với nhau, các cơ sở nghiên cứu giáo dục trong và ngoài nước với các bộ ngành TƯ và cơ sở...

Đề xuất với Bộ GD ĐT, PGS.TS Vượng cho rằng, để xây dựng nguồn giáo viên chất lượng cao, trên cơ sở các văn bản chủ trương, chiến lược của Đảng và Nhà nước đã đề ra, Bộ GD ĐT cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn giáo viên chất lượng cao gắn với chiến lược phát triển kinh - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Song song với việc nâng cao dân trí, đào tạo giáo viên thì việc phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, xây dựng và hoàn thiện hệ thống giá trị con người trong thời đại hiện nay như tinh thần học tập, trau dồi tri thức; có ý thức và năng lực làm chủ bản thân, làm chủ xã hội.

Đồng thời, muốn phát triển nguồn nhân lực giáo viên chất lượng cao thì phải gắn với nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, chính sách lương - thưởng bảo đảm an sinh xã hội.

Cải thiện và tăng cường thông tin về các nguồn giáo viên chất lượng cao theo hướng rộng rãi và dân chủ, làm cho mọi người thấy được tầm quan trọng của vấn đề phát triển nguồn giáo viên ở nước ta và trên thế giới. Đặc biệt, cần có nghiên cứu chiến lược, tổng kết thường kỳ và nhất là đổi mới tư duy, có cái nhìn mới về con người, về nguồn giáo viên chất lượng cao Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD ĐT cho rằng, từ năm học 2016 - 2017, vấn đề giáo viên nổi lên là nhiệm vụ số 2 trong 9 nhiệm vụ của ngành giáo dục. Thật vậy, nếu nhiệm vụ không được giải quyết một cách thấu đáo, có thể nói, khó lòng thực hiện thành công Nghị quyết 29 của TƯ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Nhật Hồng


Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết