Hà Nội: Học sinh tiến bộ hơn khi thực hiện Thông tư 30

Hà Nội: Học sinh tiến bộ hơn khi thực hiện Thông tư 30
Dân trí Việc đánh giá bằng nhận xét và kết hợp với đánh giá bằng điểm số qua kiểm tra định kỳ cuối kỳ I đã thấy được kết quả có tiến bộ của học sinh trên toàn thành phố so với năm học trước. Đây là thông tin Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra tại Hội nghị sơ kết học kỳ 1 bậc tiểu học.
Sáng nay 21/1, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức sơ kết học kỳ I bậc tiểu học. Buổi sơ kết có sự tham gia của hai chuyên viên chính Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) là TS. Hoàng Mai Lê và TS. Xuân Thị Nguyệt Hà.
Hà Nội: Học sinh tiến bộ hơn khi thực hiện Thông tư 30

Tại buổi sơ kết trực tuyến, ông Nguyễn Trí Dũng - Trưởng phòng GD-ĐT (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Học kỳ I vừa qua Sở đã chỉ đạo 100% trường thực hiện tốt Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về đánh giá xếp loại học sinh tiểu học.

Năm học đầu tiên đánh giá bằng nhận xét đối với học sinh toàn cấp học, Sở đã có Hướng dẫn cụ thể đánh giá đối với học sinh tiểu học toàn thành phố, bước đầu đã có chuyển biến tốt về nhận thức đối với cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh, đã có kết quả khả quan.

Thống kê đánh giá các năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học học kỳ I của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy tỉ lệ học sinh đạt ở hai khía cạnh này đều ở gần mức 100%. Cụ thể, lớp 1 tỉ lệ học sinh được đánh giá đạt về năng lực và phẩm chất ở mức 99,31% và 99,76%; lớp 2 lần lượt là 99,48% và 99,55%; lớp 3 là 99,35% và 99,91%; lớp 4 là 99,25% và 99,89%; lớp 5 là 99,27% và 99,78%; tỉ lệ chưa đạt chỉ ở mức từ 0,09%-0,75%.

Tỉ lệ học sinh hoàn thành các môn học từ lớp 1 đến lớp 5 đối với môn Toán và Tiếng Việt đạt gần 98% trở lên. Môn học có tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành nhiều nhất là Ngoại ngữ lớp 4 với khoảng 5,18%. Điều này tương đối “nghịch lý” với tỷ lệ hoàn thành của lớp 3 (98,43%) và lớp 5 (98,37%).

Sở GD-ĐT cũng cho biết, các trường, lớp dạy học 1 buổi/ngày đảm bảo đủ thời lượng 5 buổi/tuần và tổ chức dạy tăng cường 2-3 buổi/tuần nhằm tăng cường các hoạt động đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện; hạn chế việc giao bài tập về nhà cho học sinh.

Đối với trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày đảm bảo dạy đủ thời lượng không quá 7 tiết văn hóa/ngày; những trường có điều kiện về cơ sở vật chất, về đội ngũ tiếp tục nâng về số lượng học sinh được học 2 buổi/ngày, không yêu cầu học sinh làm thêm bài tập ở nhà, tạo mọi điều kiện để học sinh hoàn thành bài học tại lớp.

Nhìn chung, 100% nhà trường đã thực hiện tốt các yêu cầu: không dạy học trước chương trình, không thi tuyển vào lớp 1; không tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh của lớp mình phụ trách (kể cả các ngày nghỉ). Tổ chức các hoạt động gióa dục ngoài giờ lên lớp đủ thời lượng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và nhà trường.

Các trường thực hiện nghiêm túc chủ trương cấp sách giáo khoa cho học sinh ở địa bàn khó khăn, học sinh là con liệt sĩ, con thương binh; tăng cường xây dựng tủ sách dùng chung nhằm tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh diện chính sách có thể thuê hoặc mượn, đồng thời giáo dục học sinh ý thức giữ gìn và bảo quản sách để sử dụng trong nhiều năm.

100% học sinh đến trường đều có sách giáo khoa. Sở không tổ chức, chủ đạo phát hành tài liệu tham khảo đến học sinh.

Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường xây dựng thời khóa biểu hợp lý, giáo viên phối hợp với cha mẹ học sinh hướng dẫn việc sử dụng sách, vở, đồ dùng học tập để học sinh không phải mang nhiều sách, vở khi đến trường. Những trường học dạy 2 buổi/ngày hầu hết đã tổ chức cho học sinh để sách, vở và đồ dùng học tập tại lớp.

S.H

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí