Cô học trò mồ côi học giỏi Địa lý
- Chủ nhật - 08/03/2015 11:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bước ngoặt cuộc đời xảy đến với em Nhuần vào một buổi chiều u ám cuối năm 2007, đang trên đường đi làm đồng về mẹ Nhuần chẳng may bị tai nạn giao thông và đột ngột qua đời. Gia đình nghèo lại càng túng quẫn hơn khi một mình người cha già phải vật lộn với cuộc sống để nuôi 9 người con ăn học. Ngày ngày ông cha phải ra đồng từ sớm để mong lo được cho các con từng bữa cơm, manh áo để các con của ông không có đứa nào phải bỏ học giữa chừng.
Và lúc nào người cha cũng động viên các con phải học thật giỏi, bởi chỉ có việc học mới có thể thoát được cái nghèo. Dù thiếu đi tình cảm của mẹ, nhưng lúc nào Nhuần cũng được cha vỗ về, yêu thương, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đứa trẻ ấy sớm bộc lộ tư chất thông minh. Cùng với những lời động viên từ cha, bé Nhuần luôn cố gắng phấn đấu học thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của cha và gia đình.
Những năm học cấp 2, em Nhuần luôn là học sinh giỏi của trường, của lớp, dù sau mỗi giờ lên lớp em lại phải về phụ giúp gia đình. Đêm đến, sau khi đã soạn và chuẩn bị cho bài học ngày mai đầy đủ, Nhuần còn luôn dành nhiều thời gian để đọc các loại sách tham khảo và nâng cao. Nhuần tâm sự, trong tất cả các môn học em thích nhất là môn Địa lý, bởi đối với em môn Địa lý giúp em hiểu hơn nhiều về đất nước và con người Việt Nam ta cũng như nhiều nước bạn trên thế giới.
Trong kì thi chuyển cấp lên lớp 10, Nhuần đã có một quyết định khá táo bạo khi em đăng kí dự thi vào trường THPT chuyên của tỉnh (Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp - PV ). Bởi theo Nhuần đây là trường có điểm đầu vào cao, em lại con nhà nghèo, trường học lại cách xa nhà cả mấy chục cây số. Nếu như đỗ vào đó mình có đủ điều kiện để theo học không hay phải nghỉ giữa chừng, rồi bao nhiêu câu hỏi đặt ra đối với em lúc này...?
Trò chuyện với chúng tôi, Nhuần chia sẻ: “Mặc dù vẫn biết được vào trường chuyên thì điều kiện sẽ tốt hơn nhiều cho việc học của em, nhưng lúc chuẩn bị làm đơn dự thi em cứ trăn trở mãi, bởi nhà mình nghèo, mấy chị lại đang theo học ở xa, giờ nếu em lại học xa nhà nữa thì ai sẽ chăm sóc cho mấy đứa em khi cha phải làm việc để lấy tiền nuôi mấy chị em ăn học”.
Lúc đó, được cha và nhiều người động viên nên em quyết tâm thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp và năm ấy em đỗ với số điểm khá cao. Trong suốt quá trình học ở trường, với đam mê của mình Nhuần luôn chứng tỏ được khả năng vượt trội so với các bạn cùng khóa về môn Địa lý. Trong năm lớp 10, với năng lực của mình, Nhuần đã được nhà trường cử đi thi học sinh giỏi vượt cấp (lớp 11 - PV) của tỉnh Quảng Bình và em đã đạt được giải Nhì trong cuộc thi ấy. Tiếp năm sau, trong kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh lớp 11, Nhuần tiếp tục đạt giải Nhì khiến nhiều bạn bè nể phục.
Nói về những bí quyết để học giỏi môn Địa lý, Nhuần chia sẻ, đối với môn Địa lý không khó học, ngoài việc chăm chỉ lắng nghe thầy cô giảng trên lớp, em còn tìm hiểu thêm các vấn đề xung quanh bài học thông qua sách báo, internet và trên truyền hình nhất là các chương trình truyền hình thực tế, các chương trình nói về đất nước và con người ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở Việt Nam ta.
Trao đổi với PV Dân trí, cô giáo Nguyễn Thị Như Trang (giáo viên chủ nhiệm lớp của Nhuần) cho biết: “Nhuần là một học sinh ngoan, ngoài việc chăm chỉ học tập thì em luôn năng nổ tham gia các hoạt động của trường, lớp và rất được bạn bè, mọi người trong lớp quý mến. Mặc dù, gia đình khó khăn và thiếu tình cảm của mẹ nhưng em luôn khẳng định được ban thân mình là một người có tư chất tốt và đối với một cô giáo chủ nhiệm của em thì tôi mong em sẽ cố gắng hơn nữa và đạt kết quả cao trong kỳ thi cuối cấp sắp tới”.
Nói về những dự định sau này của em sau kỳ thi tốt nghiệp cấp 3, Nhuần không ngần ngại chia sẻ: “Năm nay cũng cuối cấp rồi nên em dành nhiều thời gian hơn cho việc học, sau kỳ thi tốt nghiệp em sẽ đăng kí vào trường Học viện An ninh vì đây là mơ ước từ nhỏ của em và một phần nữa là bởi nhà em nghèo nên khi vào học trường An ninh thì đỡ phải mất tiền học phí và khi ra trường sẽ có việc không phải chạy vạy ngược xuôi tìm việc như những ngành khác”.
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |