Kết quả, vượt qua hơn 2.100 bài dự thi của học sinh các cấp ở 62 tỉnh, thành trong cả nước, bài dự thi của học sinh Ngô Thị Phương Linh (THPT Chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) và học sinh Nguyễn Thị Minh Phương (THCS Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã xuất sắc đoạt giải thưởng đặc biệt.
Ban giám khảo cuộc thi còn chấm chọn và trao giải thưởng đến 4 học sinh đạt giải Nhất, 10 giải Nhì, 30 giải Ba và 60 giải Khuyến khích.
Phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Lịch sử là người thầy giáo của cuộc sống soi đường đến tương lai. Do đó,lịch sử khổng chỉ là một môn học mà là một hành trang tri thức cần có của mỗi người. Mỗi học sinh trước hết và ít nhất phải am hiểu lịch sử của chính mảnh đất quê hương nơi minh sinh ra và lớn lên.
Những câu hỏi mở trong đề thi Em yêu Lịch sử Việt Nam lần thứ nhất thực sự thành công trong việc khơi dậy hứng khởi trong học sinh để các em có những câu trả lời thấu đáo và sáng tạo với bài thi thể hiện tình yêu lịch sử của dân tộc, lịch sử địa phương nơi các em đang học tập.
Điều này thể hiện ở cách trình bày bài thi phong phú, công phu, thể hiện ở việc cuộc thi thu hút hàng ngàn học sinh các cấp, cả các em du học sinh nước ngoài như du học sinh Lào đang học tại Việt Nam, cả các em học sinh Việt Nam sinh ra ở nước ngoài ra trở về tìm hiểu cội nguồn của dân tộc. Từ sự hào hứng tham gia của các em học sinh, Cuộc thi đã lan tỏa trong cộng đồng ý nghĩa của lịch sử”.
GS. TS KH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó trưởng ban chỉ đạo, trưởng ban chung khảo cuộc thi chia sẻ: “Khi tổ chức Cuộc thi, chúng tôi đã có những lo âu cuộc thi rơi vào hình thức kiểu mỗi trường có vài bài dự thi kiểu mẫu rồi cứ thế nhân bản lên thành số lượng nhiều để lấy thành tích phong trào. Nhưng những gì chúng tôi tiếp nhận, qua bài dự thi của học sinh, cho chúng tôi thêm kỳ vọng thực sự về một thế hệ trẻ không thờ với lịch sử dân tộc”
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng ai cũng nói lịch sử là túi khôn tri thức trong đó có những bài học kinh nghiệm lịch sử phải trả bằng máu xương của biết bao thế hệ để đúc kết, học sử là tìm về cội nguồn của mỗi người. Thế nhưng, thực trạng đáng báo động hiện nay như báo chí, dư luận xã hội phản ánh là học sinh không mặn mà với môn học lịch sử. ại sao như vậy? Đây phải thừa nhận là lỗi của của người lớn, của những người biên soạn chương trình học môn lịch sử trong nhà trường.
Các câu hỏi của trong đề thi Em yêu lịch sử Việt Nam đều mang tính mở, không bắt học sinh nói điều mà chúng ta muốn/ép các em phải học, phải trả bài nữa, mà để các em tự tìm tòi lịch sử quê hương, những nhân vật lịch sử mà các em yêu thích và viết ra những điều mà chính các em mong muốn. Câu hỏi mong muốn của học sinh trong việc thay đổi cách dạy và học bộ môn lịch sử trong nhà trường chính là sự cầu thị của ngành giáo dục, của ngành sử học Việt Nam.
Đại diện học sinh dự thi, học sinh Ngô Thị Phương Linh - học sinh đoạt giải đặc biệt bày tỏ mong muốn sân chơi bổ ích như cuộc thi Em yêu lịch sử Việt Nam sẽ được tổ chức hàng năm. “Đây là cơ hội để học sinh chúng em tìm hiểu sâu hơn nữa lịch sử quê hương, để chúng em tìm về cội nguồn dân tộc và bày tỏ những chính kiến của người học với bộ môn lịch sử trong nhà trường hiện nay” - em Phương Linh bày tỏ.
Khánh Hiền
tổ chức, lịch sử, giải thưởng, trường học, học sinh, dự thi, xuất sắc
Ý kiến bạn đọc