Hai màu giấy được gộp lại từ những trang giấy trắng của hai quyển vở cũ khác nhau. Vừa mân mê quyển tập trong lúc em trả bài, tôi vừa thầm khen em, khen bố mẹ em biết dạy con một đức tính quan trọng, đó là tiết kiệm.
Trao vở cho em về chỗ, tôi nhìn lâu hơn vào quyển tập có hai màu giấy và cười bảo: “Quyển tập rất đẹp! Ngày xưa cô có vô số quyển như thế, nhiều màu hơn thế”.
Tận dụng những trang giấy trắng của vở cũ năm học trước là một thói quen của học sinh nghèo chúng tôi ngày trước và một số bạn trẻ hôm nay. Giấy trắng còn mới tinh, nguyên vẹn đóng thành tập học được vô số môn, giấy đã dùng một nửa được cắt lề thẳng nếp kẹp vào làm vở nháp. Cứ như thế, chúng tôi lớn lên bên những quyển vở có nhiều màu giấy. Dẫu thiếu thốn một chút, thiệt thòi một chút mà biết trân quý sách vở, trân quý mọi thứ.
Tôi đang giảng dạy ở ngôi trường cấp hai và chứng kiến nhiều vô kể cách dùng sách vở lãng phí của học sinh. Sách mới tinh bị các em dùng bút mực viết bừa vào. Cô có nhắc nhở hôm trước thì hôm sau lại quên và khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Em cháu sang năm bố mẹ mua cho sách mới chứ không chịu dùng lại sách cũ của anh chị đâu!”.
Vở phần thưởng từ nhà trường, vở hỗ trợ từ các tổ chức thiện nguyện mới tinh, cáu cạnh bị các em chê. Nhiều bố mẹ chiều con phải mua loại vở cao cấp, khổ lớn ở nhà sách danh tiếng với giá đắt đỏ dùng để học chính thức. Còn vô số quyển vở khác chỉ dùng làm… nháp. Xài sang và lãng phí vô cùng!
Đồ chơi, áo quần của con trẻ thời nay vừa đẹp vừa phong phú về mẫu mã, kiểu cách. Bố mẹ nào cũng thương con, muốn sắm sửa cho con bằng bạn bằng bè nên hễ con đòi là mua, thấy đẹp là sắm. Đồ chơi chất đống, áo quần đầy tủ làm con chơi chẳng biết giữ gìn, mặc cũng chẳng biết gìn giữ. Nhưng hễ nhắc đến chuyện chia sẻ đồ chơi cũ, áo quần chật cho người khác là la oai oái giành giật lại. Có lẽ đó là hình ảnh chung của nhiều đứa trẻ lớn lên trong cuộc sống đủ đầy vật chất, quen được cưng chiều, cung phụng.
Sự khác biệt giữa một cô bé gom giấy trắng đóng tập và những cô cậu học sinh khác dùng sách vở, áo quần, đồ chơi một cách cẩu thả do đâu? Do gia cảnh khác biệt quyết định ý thức và cách sống ư? Tôi xin khẳng định là không. Bởi thực tế cho thấy rất nhiều đứa trẻ dẫu lớn lên trong cảnh nhà túng thiếu vẫn nảy sinh tính ích kỷ, thích hưởng thụ, đua đòi với chúng bạn. Và rất nhiều trẻ lớn lên trong điều kiện kinh tế khá giả vẫn có thể nuôi dưỡng lối sống giản dị, tiết kiệm.
Con trẻ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ lối sống của chính bố mẹ và người thân trong gia đình. Tấm gương của bố mẹ soi chiếu, định hình dần ý thức, thái độ, ứng xử của trẻ đối với cuộc sống, trong đó có cả cách sử dụng đồng tiền. Người bố, người mẹ biết sử dụng tiền hợp lý, chi tiêu theo kế hoạch và dạy con về giá trị của đồng tiền, chắc hắn mỗi đứa con đều có thái độ đúng khi sử dụng tiền do mồ hôi, công sức của bố mẹ đánh đổi.
Ngược lại, nhiều bố mẹ tiêu xài phung phí, không cần thiết vẫn mua, vẫn sắm những món đồ xa xỉ, đắt tiền. Rồi đồ chơi, áo quần mới tinh đó đưa về nhà chỉ để làm cảnh, chất đống, gác tủ. Thử hỏi con cái sẽ học được gì từ cách vung tiền như nước của bố mẹ? Nó sẽ nghĩ đơn giản đồng tiền rất dễ kiếm và dần dần tiêm nhiễm cách xài tiền không hoạch định.
Dù dạy con cách xài tiền theo cách cha mẹ Việt hay người Do Thái, người Nhật thì tôi nghĩ điều quan trọng nhất vẫn là dạy con có ý thức sử dụng tiền khoa học, hợp lý. Con phải biết những đồng tiền ấy được đánh đổi bằng ngày giờ công lao động của bố mẹ để sử dụng tiền có ý nghĩa. Khi con biết trân trọng tiền bạc, con mới biết giữ gìn đồ chơi, áo quần, sách vở…
Và dù chúng ta đang thiếu thốn thật sự hay thừa thãi vật chất, tôi vẫn nghĩ rằng bố mẹ đôi lúc hãy để cho con cái thiếu thốn một chút, chịu thiệt thòi một chút. Có như thế con trẻ mới biết trân quý mọi điều trong cuộc sống.
Nguyễn Thùy
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!
Ý kiến bạn đọc