Lớp học tình thương của thầy giáo biên phòng trên đảo Hòn Chuối

Dân trí Người dân trên đảo Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau) chủ yếu sống bằng nghề thả lưới, cuộc sống khó khăn nên không có điều kiện chăm lo cho con đến trường. Vì thế, nhiều năm nay, việc học hành của con em họ được Đồn biên phòng Hòn Chuối đảm nhận.

Lớp học trên đảo Hòn Chuối.

Nằm cách cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) 17 hải lý về phía Tây, đảo Hòn Chuối có diện tích khoảng 140 ha. Trên đảo có 54 hộ dân, với 167 nhân khẩu (trong đó, có 8 hộ người dân tộc Khmer).

Ông Lê Văn Phương - Tổ trưởng Tổ tự quản đảo Hòn Chuối, cho biết, trên đảo không có trường học, chỉ có lớp học tình thương của Đồn biên phòng Hòn Chuối lập ra nhiều năm nay.

Những ngôi nhà trên đảo Hòn Chuối, nơi nhiều cư dân sinh sống.
Những ngôi nhà trên đảo Hòn Chuối, nơi nhiều cư dân sinh sống.

Theo Thượng úy Trần Bình Phục (cũng là thầy giáo trên đảo), trước đây cư dân trên đảo nghèo lắm. Do xa đất liền nên nhận thức của một số bà con có phần hạn chế. Nhiều phụ huynh cho con đi học là tiếc mất một công lao động của gia đình. Thế nên, để bà con thay đổi nhận thức thì quả là điều không dễ.

“Anh em trong đơn vị họp bàn với nhau và đi đến thống nhất là không còn cách nào khác phải đi trực tiếp đến từng nhà để làm công tác tư tưởng, vận động bà con cho con em đi học. Những ngày mưa gió, chúng tôi thay phiên nhau xuống tận nhà đón các em đến lớp, dạy xong lại đưa về.

Cuộc sống của các em phụ thuộc nhiều vào cha mẹ, có thể nay đây mai đó nên việc học cũng gián đoạn. Ở đây các em được học con chữ nhưng chưa có chương trình bài bản, cũng không có những quy định của trường lớp. Nếu như có thầy cô giáo thì các em sẽ được học chương trình đầy đủ hơn”, thầy Phục chia sẻ.

Thầy giáo và học trò cùng nhau bước qua từng bậc thang lên đỉnh núi để vào lớp học.
Thầy giáo và học trò cùng nhau bước qua từng bậc thang lên đỉnh núi để vào lớp học.

Ghi nhận của PV, sống ở đảo, cư dân thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Mấy năm gần đây, điều kiện tàu thuyền ra vào đảo thường xuyên nên cuộc sống của cư dân được cải thiện.

Chị Lê Thị Thu Lan (một cư dân trên đảo) bộc bạch: “Gia đình tôi có 4 cháu đang học tại lớp học tình thương của các chú biên phòng trên đảo. Cũng nhờ có những người lính quân hàm xanh mà con em chúng tôi biết chữ, biết lễ nghĩa, biết lịch sử quê hương, đất nước”.

Thượng úy Trần Bình Phục đang giảng bài cho các em học sinh.
Thượng úy Trần Bình Phục đang giảng bài cho các em học sinh.

Lớp học của trẻ em đảo Hòn Chuối không có ngày nghĩ. Chỉ một không gian nhỏ nhưng có tới 3-4 nhóm, học từ lớp 1 đến lớp 5. Để có đủ tài liệu dạy học trò, thầy Phục và cán bộ Đồn biên phòng Hòn Chuối đã vận động nhiều nơi xin sách giáo khoa, vở, viết,… để hỗ trợ cho các em.

Sau khi tan học, thầy lại đưa trò về nhà cho an toàn.
Sau khi tan học, thầy lại đưa trò về nhà cho an toàn.

Vào năm 2014, lớp học này được công nhận là một điểm trường Tiểu học “4” thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời). Ba năm qua, đã có những học sinh ở đảo vào đất liền học lên cấp cao hơn, riêng thầy Phục vẫn ở lại “giữ lửa” cho lớp học này. Hằng ngày, người dân ở Hòn Chuối lại thấy người thầy mang quân hàm xanh cần mẫn cõng học trò giữa những trưa nắng gắt mà thấy lòng mình cũng ấm áp.

Nhà của em Kim Anh Khôi (13 tuổi, đang học chương trình lớp 4) có 2 chị em đang theo học ở lớp học tình thương. Khôi nói: “Hai chị em muốn học xong ở đây rồi được vào đất liền đi học tiếp, em không muốn phải nghĩ học”.

Với các em học sinh ở đảo Hòn Chuối, do không có nhiều điều kiện, nên các em chỉ có thể vui chơi bằng những trò đơn giản.
Với các em học sinh ở đảo Hòn Chuối, do không có nhiều điều kiện, nên các em chỉ có thể vui chơi bằng những trò đơn giản.

Chính tinh thần ham học và sự tiến bộ của các em là nguồn động lực thôi thúc Thượng úy Trần Bình Phục duy trì lớp học. Không chỉ dạy chữ, thầy còn truyền đạt cho các em những kỹ năng ứng xử để các em có những kiến thức cơ bản nhất, giúp ích cho cuộc sống.

Đức Hiệp

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí