Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 6

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 6
Dân trí Sáng nay 26/12, Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 6 – Khóa IV. Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đại diện Văn phòng TƯ Đảng, Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và xã hội và trên 100 đại biểu Ban Chấp hành TƯ Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm chủ trì Hội nghị
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm chủ trì Hội nghị

Trang mới của phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Theo báo cáo của 55 tỉnh thành trong cả nước, tổng số hội viên là 11.837.945 người. Khoảng 5 năm trở lại đây, tính trung bình mỗi năm Hội kết nạp thêm trên dưới 500.000 người. Năm 2014, Hội có thêm 800.000 người, vượt xa con số trung bình của nhiều năm trước. Nếu tính thêm 8 tỉnh, thành còn lại, có thể ước tính số hội viên gia tăng trong năm 2014 là khoảng 1.000.000 người; số gia đình hiếu học hiện nay là hơn 5 triệu gia đình. Số dòng họ hiếu học là 50.734 và số cộng đồng khuyến học là 33.756.

Phong trào xây dựng các cộng đồng khuyến học vẫn giữ được nhịp độ phát triển với 33.756 cộng đồng học tập. Để tạo điều kiện tham gia học tập của người dân, Trung tâm học tập cộng đồng là thiết chế giáo dục cơ bản nhất. Hiện nay, cả nước đã có trên, dưới 11.000 trung tâm, tạo nên một mạng lưới học tập gần phủ kín các xã/phường/thị trấn. Trong vòng 5 năm vừa qua, năm nào số lượt người tham gia học tập ở Trung tâm cũng trên dưới 15.000.000.

GS Dong cho rằng, do ý nghĩa cao cả của hoạt động khuyến học và do uy tín của Hội Khuyến học trong nhân dân ngày càng tăng, tham gia tổ chức hội ngày càng được người dân hưởng ứng. Số Chi hội Khuyến học và Ban Khuyến học trong năm 2014 cũng tăng lên. Theo báo cáo chưa đầy đủ, hiện cả nước có 139.958 Chi hội khuyến học và 80.942 Ban Khuyến học. Đây là những đơn vị khuyến học có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các chủ trương khuyến học của Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội, cũng là lực lượng nòng cốt đưa các Quyết định về xã hội học tập của Nhà nước vào cuộc sống.

GS Dong khẳng định: “Phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học đã chính thức sang trang mới của sự phát triển bắt đầu từ thời điểm Hội Khuyến học nhận được nhiệm vụ mới do Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp. Đó là việc tiếp nhận Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình dòng họ và cộng đồng tới năm 2020” được quy định trong Quyết định 89/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020.

Toàn Hội đã tập trung sự chú ý vào việc quán triệt Nghị quyết 29 – NQ/HNTW của Hội nghị TƯ 8 (khóa IX) về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” để thấu triệt các quan điểm chỉ đạo xây dựng xã hội học tập theo Quyết định 89/QĐ-TTg. Từ sự quán triệt Nghị quyết 29-NQ/HNTW của Trung ương Đảng và Quyết định 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cán bộ và hội viên khuyến học đã nhận thức được những vấn đề là phải chuyển được các mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học sang các mô hình học tập (gia đình học tập, dòng họ học tập và cộng đồng học tập) trong giai đoạn 2015 – 2020. Việc chuyển sang các mô hình học tập là một bước phát triển quan trọng, gắn kết phong trào khuyến học của Hội với nhiệm vụ chính trị mà nhà nước giao cho”.

Các đại biểu tham dự hội nghị Ban Chấp hành TƯ Hội Khuyến học Việt Nam
Các đại biểu tham dự hội nghị Ban Chấp hành TƯ Hội Khuyến học Việt Nam

Giúp đỡ học sinh nghèo, xây dựng “Vườn ươm tài năng”

GS Phạm Tất Dong cho biết, trong năm 2014, hoạt động phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng các loại quỹ khuyến học, khuyến tài vẫn gia tăng. Tổng số tiền quỹ của 55 tỉnh, thành Hội hiện có 1094,2 tỷ đồng. Hội Khuyến học các cấp đã cấp học bổng cho hơn 3,5 triệu lượt học sinh nghèo vượt khó và tặng thưởng cho hơn 10.000 lượt học sinh giỏi các cấp. Ngoài ra, Trung ương Hội và nhiều Hội địa phương còn có chương trình trao tặng xe đạp, xe lăn, thuốc chữa bệnh, thẻ bảo hiểm, sổ tiết kiệm cho học sinh nghèo, học sinh và sinh viên khuyết tật…

Đánh giá về công tác hoạt động tuyên truyền của Hội, GS Dong cho biết: “Báo Khuyến học Dân trí - Báo Điện tử Dân trí đã và đang là một trong các báo Điện tử của Việt Nam có số lượng bạn đọc đông nhất. Thông qua chuyên mục “Nhân ái”, Báo khuyến học Dân trí đã vận động được nhiều nhà tài trợ, nhiều nhà hảo tâm trực tiếp tham gia làm từ thiện, đặc biệt là vận động tài trợ xây 8 cầu vượt sông, suối mang tên “Dân trí”, bớt đi nỗi lo trong mùa mưa lũ đối với học sinh và đồng bào một số xã vùng sâu, vùng xa ở Miền Trung, Tây Nguyên. Được dư luận xã hội đánh giá cao”.

Nhấn mạnh thêm về hoạt động của Hội, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng: “Năm 2014, đánh dấu bước quan trọng của cuộc thi Nhân tài Đất Việt, cuộc thi trải qua 10 năm hoạt động đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá là "vườn ươm nhân tài cho đất nước", với chiều sâu, tầm cao trí tuệ của giải thưởng ở nhiều lĩnh vực như Khoa học, Y dược, Môi trường với việc vinh danh những nhân tài đã thành công trong nỗ lực phát triển đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, năm nay giải thưởng Nhân tài đất Việt đã có Giải thưởng Khuyến tàitrao tặng vì những ích lợi mà công trình mang lại đối với vấn đề dân sinh”.

Bộ GD-ĐT luôn gắn bó chặt chẽ với Hội Khuyến học


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chúc mừng thành tích của Hội Khuyến học trong năm 2014. Thứ trưởng Hiển khẳng định: “Hội Khuyến học là một Hội gắn bó chặt chẽ nhất với Bộ GD-ĐT”.

Về công tác xây dựng Xã hội học tập, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, Bộ GD-ĐT và Hội Khuyến học là 2 đơn vị chủ chốt trong việc thực hiện xây dựng XHHT ở Việt Nam với nhiều hoạt động thiết thực như phối hợp với như UNESSCO, Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức nhiều hội thảo về xây dựng Xã hội học tập… Qua đó, thu hút sự quan tâm vào cuộc của đông đảo tầng lớp nhân dân và các cấp ủy Đảng, chính quyền.

Ngoài ra, Bộ GD ĐT cũng đã cùng Hội khuyến học Việt Nam tổ chức Hội thảo về vai trò của Hội khuyến học tới trung tâm học tập cộng đồng và đã tạo được hiệu ứng tích cực trong và ngoài ngành Giáo dục.Theo Thứ trưởng Hiển, Bộ đang nghiên cứu chỉ đạo Trung tâm học tập cộng đồng hỗ trợ cho hoạt động các trường học. Lãnh đạo các trường học sẽ đến trung tâm để tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ hơn về những quy định mới trong giáo dục và nghe lại những ý kiến đóng góp của người dân về giáo dục.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được từ các chương trình phối hợp, Thứ trưởng mong muốn: Hội Khuyến học Việt Nam sẽ luôn đồng hành và có nhiều hoạt động phối hợp, hỗ trợ Bộ GD ĐT trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD ĐT, nhất là một số chủ trương đang được Bộ triển khai như: Đổi mới đánh giá đối với học sinh tiểu học và sắp tới là kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015.

Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 của Hội Khuyến học Việt Nam:

Chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Hội.Tiến hành tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển Hội khuyến học Việt Nam. Hoàn thành giai đoạn thí điểm các mô hình học tập, xây dựng được các Bộ chỉ số đánh giá các mô hình học tập để Chính phủ ban hành. Bắt đầu từ 2016, toàn Hội phải phát triển phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng theo các chỉ số đã được Thủ tướng phê duyệt.

Cùng với việc tiến hành thí điểm các mô hình, từ đầu năm 2015, các tổ chức Hội cần nghiên cứu quán triệt Bộ chỉ số đánh giá đơn vị học tập cấp xã vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT ngày 12/12/2014. Việc thực hiện Bộ chỉ số đánh giá này có hiệu lực từ ngày 25/1/2015.

Các nhiệm vụ khác như phát triển hội viên và tổ chức Hội, xây dựng các loại quỹ khuyến học, khuyến tài, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác hợp tác quốc tế … vẫn phải được tiến hành để phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ trọng tâm xây dựng mô hình xã hội học tập phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam.

Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí