Học sinh phải hấp thụ quá nhiều kiến thức

Dân trí Chương trình giáo dục hiện nay quá nặng đối với học sinh, hàng ngày các em học sinh phải hấp thụ quá nhiều kiến thức và chịu quá nhiều áp lực nên khả năng tiếp thu bị hạn chế.

Tôi là thầy giáo gần 40 năm trong nghề, say mê nghề, trăn trở với nghề, thường xuyên xem các thông tin về nghề xin có một vài ý kiến tham gia với Dân Trí để mọi người có cách nhìn nhận về nghề dạy học.

Học sinh phải hấp thụ quá nhiều kiến thức

Nghề dạy học là gần giống như nghề y, phải chịu nhiều áp lực nghề nghiệp vì nhiều người, nhiều gia đình nhất có liên quan hoặc trực tiếp tiếp xúc hàng ngày. Chính vì vậy mọi thông tin liên quan đến giáo dục thường được nhiều người quan tâm chia sẻ, đóng góp ý kiến, bình luận, phê phán lên án, chỉ trích, đổ lỗi trách nhiệm,….

Nghề dạy học và nghề y là hai nghề rất khó, và đặc biệt rất khó đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội nên đòi hỏi sự cố gắng rất nhiều và phải có rất nhiều thầy cô giáo thật sự giỏi. Thực tế đã cho thấy đã có rất nhiều thầy thuốc rất giỏi, thầy cô giáo giỏi. Nhưng bên cạnh đó có rất nhiều thầy cô giáo chưa giỏi, thậm chí còn rất kém nhưng vẫn tồn tại vì nhiều nguyên nhân: do chưa có tiết chế đào thải, do chưa có sự kiểm duyệt lựa chọn đầu vào, do nhiều nguyên nhân bao cấp hiện hành.

Chương trình giáo dục chưa chuẩn, nhà trường hiện là “cái sọt” chứa đựng quá nhiều đòi hỏi của xã hội, mọi vấn đề chưa ổn trong xã hội lại đổ lỗi cho giáo dục thế là lại đưa vào chương trình. Các thầy cô giáo lại là người nhào nặn để đưa vào bài giảng. Chương trình giáo dục lại quá nặng đối với học sinh, hàng ngày các em học sinh phải hấp thụ quá nhiều kiến thức và chịu quá nhiều áp lực nên khả năng tiếp thu bị hạn chế.

Hiện có nhiều môn học trong nhà trường phổ thông, trường đại học cho người lớn chia ra mỗi học kì học mấy học phần – nhưng trường phổ thông trung bình các em phải học 13 đến 14 môn thì khả năng các em có tiếp thu nổi và học tốt được không?

Đã học là phải có kiểm tra đánh giá, nhưng đánh giá phải thế nào cho đúng và thúc đẩy việc học. Không hiểu Bộ GD ĐT học theo kiểu nào mà bỏ đánh giá ở học sinh tiểu học. Trong khi đó ở bậc trung học đã học quá nhiều môn học lại kiểm tra quá nhiều (tôi xin dẫn chứng ở bậc THCS có 14 môn học, trung bình 1 học kì mỗi môn phải có 6 bài kiểm tra = 84 bài chia cho 18 tuần = mỗi tuần có 5 bài) thử hỏi đây có phải là áp lực quá nặng với học sinh (và cả thầy cô) không?

Bộ có quản lý được các Vụ và các Sở GD ĐT hay không chứ hiện nay có quá nhiều cuộc thi cho học sinh và cho cả giáo viên nữa cộng với bệnh thành tích bắt buộc nên các thầy và trò cả năm học đua nhau dành gần hết thời gian cho các cuộc thi nên làm sao có thời gian để giảng dạy nâng cao chất lượng.

Nhiều trăn trở...

Các cụ xưa có câu “Yêu cho roi vọt”, đây là một cách giáo dục cổ truyền chắc phải có hiệu quả thì mới thành câu ca như vậy (mặc dù tôi không ủng hộ quan điểm này nhưng tôi vẫn cám ơn các thầy cô giáo cũ dạy tôi có cách giáo dục nghiêm khắc).

Thực tế hiện nay các thầy cô giáo đã hạn chế rất nhiều kiểu giáo dục vũ phu như các cụ đồ cũ, nhà trường cũng cấm, ngành cấm, xã hội lên án; Nhưng để giáo dục học sinh có những hành vi chưa tốt thì nói chưa đủ, thực tế cũng chưa đủ, phân tích dài dòng cũng chưa đủ, kỉ luật bằng buộc nghỉ học không được…. Cuối cùng nhiều thầy cô giáo đành bó tay. Nếu thầy cô giáo nào có cách giáo dục thái quá là phụ huynh và xã hội lên án.

Đây chính là kẽ hở để học sinh tự do hành xử theo cách nghĩ của mình (đôi khi được sự dung túng của phụ huynh và xã hội). Vậy các bạn nghĩ xem trách nhiệm thuộc về ai?

Bên cạnh đó, việc tuyển chọn đầu vào của ngành giáo dục hiện nay là không tốt, vì sao? Trong khi ngành y (và nhiều ngành khác) lại có sự ganh đua nhiều và quyết liệt, điểm chuẩn ngành y trong những năm gần đây thường từ 24 điểm đến 28 điểm trong khi đó điểm chuẩn vào ngành sư phạm thường từ 13 điểm đến 19 điểm; vậy làm sao cho những thầy cô giáo giỏi chứ chưa nói đến các nhà sư phạm giỏi.

Với cơ chế quản lý cán bộ hiện nay thì các thầy cô giáo đã vào nghề thì cứ an tâm đến khi về hưu vì chẳng ai có quyền đuổi hay thải hồi những thầy cô giáo không đủ năng lực và trình độ.

Nguyễn Bình Minh

Giáo viên trường THCS Quang Trung, Quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng

Các ý kiến đóng góp tin, bài của độc giả trên trang Giáo dục báo Dân trí xin gửi về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí