Dễ đạt danh hiệu "mô hình mẫu" do chọn đối tượng... quá xuất sắc

Dễ đạt danh hiệu "mô hình mẫu" do chọn đối tượng... quá xuất sắc
Dân trí “Việc chọn mô hình thí điểm ở cơ sở chưa bao gồm các nhóm đối tượng mà đa số là chọn các mẫu tiên tiến. Từ đó hầu hết dễ đạt điểm để được đánh giá công nhận đạt các danh hiệu của mô hình học tập”

Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ ra một trong những tồn tại ở Đà Nẵng trong việc triển khai thí điểm các mô hình học tập thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2014 về Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án 281)

Dễ đạt danh hiệu mô hình mẫu do chọn đối tượng... quá xuất sắc
Theo ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, việc chọn mẫu thí điểm mô hình học tập chưa bao quát nhiều đối tượng

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chống mù chữ, phổ cập giáo dục và xây dựng xã hội học tập (CMC-PCGD XDXHHT) thành phố Đà Nẵng tại Hội nghị Tổng kết thí điểm các mô hình học tập giai đoạn 2014 - 2015 tại Đà Nẵng diễn ra chiều 22/7, kết quả triển khai thí điểm các mô hình học tập theo Đề án 281 giai đoạn 2014 - 2015 rất tốt.

Gần như 100% số mô hình tham gia thí điểm mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập đều được đề nghị công nhận đạt sau khi thẩm tra các tiêu chí để được công nhận danh hiệu của các mô hình học tập.

Dễ đạt danh hiệu mô hình mẫu do chọn đối tượng... quá xuất sắc
Hội nghị Tổng kết thí điểm các mô hình học tập giai đoạn 2014 - 2015 tại Đà Nẵng diễn ra chiều 22/7

Kết quả rất tốt như vậy, theo Ban CMC-PCGD XDXHHT thành phố, có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo chính quyền thành phố, sự đồng thuận của các ngành, các cấp, và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân.

Trong các mô hình học tập, các đại biểu tham dự Hội nghị đặc biệt công nhận bên cạnh mô hình gia đình học tập vốn là nòng cốt lâu nay, mô hình dòng họ học tập đặc biệt hiệu quả và có sức lan toả trong cộng đồng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng xã hội học tập.

Các đại biểu dự Hội nghị cũng ghi nhận các mô hình học tập hiệu quả cần nhân rộng trong phong trào xây dựng xã hội học tập ở tộc Nguyễn Đà Sơn (quận Liên Chiểu); phường Mân Thái (quận Sơn Trà, Đà Nẵng); thôn Bắc An, xã Hoà Tiến (huyện Hoà Vang, Đà Nẵng).

Đây đều là các cơ sở xây dựng xã hội học tập ở vùng ven thành phố điều kiện kinh tế người dân địa phương còn nhiều khó khăn; song lại Hội Khuyến học cơ sở luôn quan tâm từng trường hợp hoàn cảnh gia đình khó khăn, để không những ngăn dòng học sinh bỏ học vì nhà khó, mà còn khích lệ học sinh đạt thành tích ngày càng cao trong học tập.

Dễ đạt danh hiệu mô hình mẫu do chọn đối tượng... quá xuất sắc
Nhiều cơ sở xây dựng xã hội học tập ở vùng ven thành phố, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng rất hiệu quả (ảnh trao học bổng khuyến học ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng)

Chủ trì Hội nghị, Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ghi nhận những thành quả trong việc triển khai Đề án 281 của Ban CMC-PCGD XDXHHT thành phố. Lãnh đạo chính quyền thành phố đặc biệt ghi nhận những nỗ lực của Hội Khuyến học các cấp từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường...

“Trong điều kiện kinh phí hoạt động của các cấp Hội còn eo hẹp và thành viên Hội Khuyến học đa phần tuổi cao sức yếu; nhưng vẫn nổ lực quan tâm sâu sát công tác khuyến học, góp phần rất lớn trong xây dựng xã hội học tập từ từng cơ sở” - đại diện lãnh đạo thành phố ghi nhận

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ ra tồn tại cần nhìn nhận để rút kinh nghiệm, khắc phục khi triển khai Đề án 281 ở Đà Nẵng trong giai đoạn tiếp theo: “Việc chọn mô hình thí điểm ở cơ sở chưa bao gồm các nhóm đối tượng mà đa số là chọn các mẫu tiên tiến. Từ đó hầu hết dễ đạt điểm để được đánh giá công nhận đạt các danh hiệu của các mô hình học tập.

Bên cạnh đó, còn một tồn tại là các Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn thành phố chưa hoạt động hiệu quả. Các Trung tâm học tập cộng đồng nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời cho nhân dân mà nguyên nhân chủ yếu là cơ chế quản lý chưa phù hợp và chưa có đầu tư”.

Trong giai đoạn đến, đại diện lãnh đạo chính quyền TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo Sở GD - ĐT, Hội Khuyến học các cấp lập dự toán kinh phí các hoạt động triển khai Đề án 281 trên địa bàn thành phố để UBND thành phố xem xét có kế hoạch hỗ trợ kinh phí theo đề xuất của Ban CMC-PCGD XDXHHT.

Khánh Hiền

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí